Hãy cảm thông!
Hãy cảm thông!
Cùng với nghề nhà giáo, nghề thầy thuốc được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý”. Với thiên chức “trị bệnh cứu người”, với hình ảnh “lương y như từ mẫu”, thật khó mà nói hết được tính cao quý của nghề y cũng như sự tin cậy, lòng biết ơn mà người bệnh gửi gắm vào thầy thuốc.
Từ xa xưa đã vậy mà hôm nay cũng vậy. Có lẽ vì thế mà hơn bất cứ một nghề nào khác, chuyện đạo đức nghề nghiệp trở nên đặc biệt quan trọng đối nghề thầy thuốc. Từ thời Hy Lạp cổ đại, nhân loại đã lưu truyền Lời thề Hippocrates, lời thề nhập môn thiêng liêng cho những ai tự nguyện dấn thân vào sự nghiệp trị bệnh cứu người.
![]() |
Ở nước ta, từ các bậc đại danh y trong lịch sử như Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đến những vị thầy thuốc đáng kính của thời đại ngày nay như: Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ…đều là những tấm gương sáng ngời về đức hy sinh của người thầy thuốc. Những con người này được hậu thế lưu danh không chỉ vì tài năng phi thường về y học mà quan trọng hơn là họ đã dám dấn thân để thực hiện đúng thiên chức cao quý của người thầy thuốc: coi việc phục vụ con người, đặc biệt là dân nghèo cao hơn danh lợi, chức tước.
Nói như trên để thấy, hiện nay, 2 chữ y đức đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã như thế nào. Trong một xã hội mà việc kiếm tiền đang trở thành vòng xoáy cuốn tất cả mọi người quay cuồng một cách gấp gáp thì người thầy thuốc cũng không thể đứng ngoài. Mọi chế độ chính sách như: lương, tiền bồi dưỡng, phụ cấp nghề nghiệp của nhà nước đối với nghề y quá thấp, không đủ sống, trong khi cơ hội kiếm tiền lại luôn rộng mở đối với các bác sỹ nhờ đặc thù nghề nghiệp: người bệnh chỉ biết nhất nhất làm theo lời bác sỹ, không thể tính toán thiệt hơn, không được tiếc tiền.
Thật khó để người thầy thuốc giữ được y đức, giữ được những quy tắc nghiêm ngặt của nghề nghiệp mà quay lưng với đồng tiền. Hơn nữa trong bối cảnh cả xã hội xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống theo xu hướng thực dụng, chạy theo đồng tiền, tình trạng tham nhũng tràn lan khắp mọi ngõ ngách của đời sống, mọi ngành, mọi cấp thì ngành y cũng không thể là ngoại lệ.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều những câu chuyện đau lòng từ các bệnh viện, từ chuyện kém chuyên môn, vô trách nhiệm, vô cảm của bác sỹ dẫn đến cái chết hay thương tật oan uổng cho bệnh nhân đến chuyện người nhà bệnh nhân manh động hành hung, thậm chí sát hại bác sỹ. Sự xuống cấp về y đức cùng sự xuống cấp về đạo đức xã hội chính là nguồn gốc của những bi kịch đó.
Công bằng mà nói, nghề nào cũng có thể xảy ra sai lầm, có “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng do đặc thù nghề nghiệp quá nhạy cảm nên những bê bối về tham nhũng hay vi phạm quy tắc nghề nghiệp trong ngành y thường gây hiệu ứng xã hội mạnh hơn những ngành khác.
Gạt sang một bên những trách móc, phê phán đối với bác sỹ và bệnh viện vì những tiêu cực và yếu kém của họ thì cũng cần nhìn nhận một cách khách quan để thấy rằng, nghề y là một nghề thực sự nặng nhọc, vất vả, luôn phải tiếp xúc với những người bệnh trong trạng thái đau đớn, lo âu, thậm chí tuyệt vọng. Nghề này cũng chứa đựng cả sự độc hại, nguy hiểm: nguy cơ phơi nhiễm các bệnh hiểm nghèo hay bị các đối tượng manh động tấn công…
So sánh có thể khập khiễng nhưng nếu so với nghề nhà giáo luôn được tiếp xúc với đối tượng trẻ, tràn đầy sức sống và ước mơ thì nghề y lại luôn trong trạng thái ngược lại. Có rất nhiều vấn đề về yếu kém của ngành y, của đội ngũ bác sỹ thực ra lại không thuộc trách nhiệm của họ mà thuộc trách nhiệm của nhà nước, của toàn xã hội.
Chẳng hạn, cơ sở vật chất, trang thiết bi bệnh viện quá thiếu thốn, lạc hậu, tình trạng quá tải ở những bệnh viện lớn tuyến trung ương, đời sống, thu nhập của đa số bác sỹ, nhân viên y tế còn quá thấp so với vai trò cũng như trách nhiệm mà nhà nước, xã hội giao cho họ.
Làm sao để các bệnh viện không còn cảnh 3, 4 bệnh nhân ghép 1 giường, làm sao để các y, bác sỹ sống đàng hoàng bằng thu nhập chính đáng, làm sao để toàn dân, đặc biệt là dân nghèo có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tốt…, đó chính là mong ước chính đáng của không chỉ người dân mà còn của chính đội ngũ y, bác sỹ.
Đăng Vũ