Hãy bắt đầu từ vụ Tiên Lãng
Hãy bắt đầu từ vụ Tiên Lãng
> Vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng: Thủ tướng yêu cầu làm rõ 3 vấn đề
> Ông Vươn chỉ đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa
>
> Giám đốc Công an Hải Phòng: "Công an không phá nhà ông Vươn"
> 'Cảnh báo sóng ngầm sau vụ cưỡng chế ở Hải Phòng'
> Vụ cưỡng chế đất: “Vẫn còn dấu vết xe cẩu, xe xích vào đập phá”
> Vụ cưỡng chế đất: Mặt trận có quan tâm Tết đối với gia đình ông Vươn?
> UBND huyện Tiên Lãng đứng sau vụ đe "đánh chết" phóng viên?
>Bắt kỹ sư nông nghiệp chủ mưu bắn bị thương 6 công an
> Đại tướng Lê Đức Anh: “Bốn sai” vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng
Trong bối cảnh hiện nay, để mở đầu cho việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4: Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, nhiều ý kiến đề nghị, Trung ương cần tập trung chỉ đạo xử lý khẩn trương, triệt để một vài vụ việc tiêu biểu để vừa có tính “làm gương”, vừa để rút kinh nghiệm chỉ đạo trong toàn quốc.
Vụ việc thích hợp nhất để “làm điểm” chính là vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Có thể nói, với tất cả những thông tin được phơi bày cho đến thời điểm này, vụ Tiên Lãng đã hội đủ tất cả những dấu hiệu của một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng cả về luật pháp và chính trị, có tác động xã hội rộng lớn và sâu sắc. Nhìn từ góc độ xây dựng Đảng, đảng bộ và chính quyền địa phương, nơi xảy ra vụ việc đã bộc lộ đầy đủ những dấu hiệu sai phạm và yếu kém cần phải “chỉnh” và “đốn” theo Nghị quyết Trung ương 4.
![]() |
![]() |
Vụ cưỡng chế giải tỏa đất ở Tiên Lãng đặt ra nhiều bài học về chính sách quản lý. Ảnh: Báo Hải phòng |
- Điểm đầu tiên có thể nhận thấy ở bộ máy cấp ủy Đảng và chính quyền ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang qua vụ việc này là sự xa dân, coi thường dân, bội tín với dân và tất yếu dẫn đến mất lòng dân. Trong toàn bộ những việc làm của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, từ việc quyết định thu hồi và tổ chức cưỡng chế thu hồi khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đến việc “cãi chày cãi cối” để bảo vệ cho hành động của mình sau khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng và đau lòng, đều cho thấy, những người có trách nhiệm ở đây hầu như không hề quan tâm, tính toán cho quyền lợi của dân, đồng thời cũng không hề lắng nghe ý kiến cũng như phản ứng của người dân. Việc tổ chức cưỡng chế bằng cách huy động toàn bộ lực lượng vũ trang của huyện chứng tỏ, chính quyền đã coi người dân như kẻ thù cần trấn áp bằng mọi cách. Dư luận nhân dân ở Tiên Lãng và Vinh Quang được phản ánh qua báo chí những ngày qua cho thấy, hầu hết người dân ở đây đều phản đối và mất lòng tin vào chính quyền qua vụ Tiên Lãng. Là chính quyền nhân dân, được lãnh đạo bởi một đảng coi lợi ích của dân là mục tiêu cao nhất nhưng lại để dân mất lòng tin hoàn toàn, đó chính là tội nặng nhất của những người lãnh đạo Tiên Lãng.
- Thứ 2 là sự tùy tiện, bừa bãi, thiếu tôn trọng pháp luật trong thực thi công vụ, thậm chí có dấu hiệu lợi dụng việc thực thi công vụ mưu lợi riêng. Phân tích của các chuyên gia đã cho thấy, toàn bộ vụ việc, từ quyết định thu hồi, cưỡng chế, đến việc tổ chức cưỡng chế đều vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai, pháp luật hình sự và trái đạo lý. Hậu quả của hành động đó là một đại gia đình nông dân lương thiện, làm ăn giỏi, có công với xóm làng, bị đẩy đến chân tường tuyệt vọng nên đã manh động dùng vũ khí nóng chống lại lực lượng cưỡng chế, dẫn đến thương vong. Cái sai của chính quyền đã dẫn đến cái sai của người dân, chính sự tùy tiện, bừa bãi, thiếu tôn trọng pháp luật của nhà chức trách huyện Tiên Lãng là nguyên nhân trực tiếp gây ra hành vi vi phạm pháp luật của anh em nhà ông Vươn. Như trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã đánh giá, vụ Tiên Lãng là tổn thất chính trị lớn đối với Đảng và chính quyền.
- Thứ 3 là quan liêu, bảo thủ, coi thường dư luận báo chí, bao che lẫn nhau, hèn nhát, không dám nhìn thẳng vào sự thật để nhận trách nhiệm. Có thể nhận thấy, các cấp có trách nhiệm ở Hải Phòng đã phản ứng quá chậm trễ, bị động trước một sự việc nghiêm trọng, có ảnh hưởng chính trị không tốt như vụ Tiên Lãng. Vụ việc xảy ra từ ngày 5/1, dư luận sôi lên sùng sục với hàng trăm bài báo, ý kiến, trong đó có những ý kiến rất xác đáng của các vị lãnh đạo lão thành, các chuyên gia, luật sư, nhưng đến ngày 3/2, tức là gần 1 tháng sau, lãnh đạo Hải Phòng mới chính thức vào cuộc, về tận nơi để tìm hiểu sự việc. Điều đáng nói là, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng, cấp chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ Chính trị và Chính phủ về vụ Tiên Lãng lại vào cuộc sau cùng, sau khi các bộ, ngành TƯ đã đồng loạt vào cuộc thanh tra, kiểm tra từ trước đó mấy tuần. Còn suốt gần 1 tháng qua, người dân cả nước được chứng kiến một cảnh tượng khá hy hữu: trong khi hầu hết thông tin trên báo chí tập trung vạch rõ những sai phạm không thể chối cãi của các chính quyền Tiên Lãng thì hệ thống báo chí, truyền thông, tuyên giáo của Hải Phòng và Tiên Lãng lại đồng ca “chày cối” bảo vệ chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, đổ hết tội cho dân, phản bác lại dư luận cả nước. Gần đây nhất, ngày 1/2, ông Chủ tịch UBND Hải Phòng trả lời báo chí vẫn chưa đưa ra được ý kiến nào cụ thể về vụ việc mà chỉ loanh quanh, chung chung theo kiểu “sẽ làm nghiêm”, “cứ theo luật mà xử”.
- Thứ 4 là năng lực, trình độ của cán bộ chính quyền Tiên Lãng, và cả TP Hải Phòng quá yếu, đặc biệt là trình độ hiểu biết pháp luật và về chính trị. Hầu hết những phát ngôn của các cán bộ huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang và một số cán bộ lãnh đạo Hải Phòng trong thời gian qua không cho thấy sự am hiểu về pháp luật, sự nhạy cảm về chính trị cũng như lương tâm, trách nhiệm của người cán bộ, người đảng viên trước dân, trước Đảng mà chỉ khăng khăng bào chữa, bao che cho sai phạm, chối bỏ trách nhiệm của mình. Là cán bộ, đảng viên, là công chức nhà nước mà lại kém về pháp luật, về chính trị lại thiếu tâm với dân thì mọi hành động của họ chỉ có hại cho Đảng cho dân mà thôi.
Cuối cùng, một vấn đề tuy không thuộc phạm vi pháp luật của nhà nước hay kỷ luật của Đảng nhưng lại cực kỳ quan trọng về chính trị, là hình ảnh người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo trong con mắt nhân dân. Để làm một người lãnh đạo được nhân dân thừa nhận, dù ở cương vị nào, trước hết anh phải là người tốt, là người lương thiện, đàng hoàng, đứng đắn, có cái tâm với dân. Nhưng hành xử và phát ngôn của một số lãnh đạo chủ chốt ở Tiên Lãng và TP Hải Phòng qua vụ Tiên Lãng lại không cho thấy điều đó. Người ta chỉ thấy ở đây những người lãnh đạo vô tình, tàn nhẫn, dửng dưng trước mất mát và nỗi đau của người dân, sẵn sàng cư xử thô bạo với dân nhưng lại hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Còn nhiều vấn đề có thể rút ra từ vụ Tiên Lãng nhưng với một số điểm nổi bật như trên cũng cho thấy, đây là một vụ việc điển hình cho những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nóng bỏng nhất trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở ở nông thôn hiện nay. Những hành vi manh động bột phát của anh em ông Đoàn Văn Vươn đương nhiên cần được xử lý theo pháp luật. Nhưng để bảo đảm công bằng, đúng người đúng tội, để người dân thực sự tin ở sự công tâm và nghiêm minh của Đảng và Nhà nước, cần xử lý nghiêm và triệt để những hành vi sai phạm của các cán bộ chủ chốt ở huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang cùng trách nhiệm của của lãnh đạo TP Hải Phòng trước trước khi xử lý ông Vươn. Bởi trong vụ này, anh em ông Vươn là nạn nhân của chính quyền trước khi trở thành tội phạm. Xử quan trước khi xử dân, đó là đạo lý công bằng mà người dân muốn được chứng kiến trong vụ Tiên Lãng. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành trung ương, sự chỉ đạo cụ thể, và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, vụ Tiên Lãng sẽ trở thành “phát súng mở màn” cho công cuộc chỉnh đốn và làm trong sạch Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
Đăng Vũ