Hậu "đả hổ diệt ruồi", Trung Quốc sờ gáy các tỉnh giả mạo số liệu kinh tế
Tờ Thời báo Tài chính (Finacial Times) hôm 11/6 đưa tin, Cơ quan phòng chống tham nhũng của Trung Quốc mới đây đã đưa ra ánh sáng việc hai tỉnh phía bắc nước này giả mạo số liệu kinh tế. Vụ việc đã tạo một dấu mốc chính trị quan trọng đối với nỗ lực của Bắc Kinh chống lại vấn đề sai sót trong thống kê số liệu vốn đã phổ biến rộng rãi bấy lâu nay ở Trung Quốc.
Một trạm nhiệt điện than đá ở Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết trong một báo cáo phê bình các sai phạm của quan chức địa phương, số liệu đã bị làm giả bởi "một số vùng miền" hoặc một số công ty ở vùng Nội Mông và Cát Lâm giàu tài nguyên than đá. Báo cáo này không cung cấp thêm bất cứ chi tiết hay mốc thời gian nào xảy ra vụ việc.
Mặc dù việc công khai những sai phạm của quan chức cấp tỉnh trong thống kê số liệu kinh tế cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh nhằm loại bỏ các vấn đề đang tồn tại của đất nước, các nhà quan sát lại cho rằng những bằng chứng sai phạm đó làm tăng thêm nghi ngờ về sự thống nhất trong các số liệu kinh tế Trung Quốc. Họ cũng hoài nghi về sự tuân thủ chặt chẽ một cách đáng kinh ngạc đối với các mục tiêu tăng trưởng do Bắc Kinh đề ra từ trước tới nay.
Không chỉ dừng lại ở đó, một câu hỏi nữa được các chuyên gia đặt ra là liệu ngành công nghiệp khai thác mỏ và thị trường năng lượng sẽ phải chịu bao nhiêu vòng siết chặt ở trong nước? Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng quốc gia của Trung Quốc đã khác biệt đáng kể so với "Chỉ số Lý Khắc Cường" - một chỉ số không chính thức được đặt tên theo Thủ tướng Trung Quốc để theo dõi kinh tế vận tải đường sắt, tiêu thụ điện năng và tín dụng ngân hàng.
Zhou Hao, chuyên gia kinh tế của Commerzbank ở Singapore cho biết: "Trước đây, người Trung Quốc không đặt nặng việc giả mạo dữ liệu". Ông thêm vào rằng những chỉ trích về việc giả mạo giữ liệu được đưa vào một báo cáo của cơ quan thuộc Đảng đã thay đổi quan điểm quá khứ và cho thấy thái độ của Bắc Kinh đối với vấn đề này. "Về mặt chính trị đó là tín hiệu mạnh", ông Zhou Hao nhận định.
Hồi đầu năm, tỉnh Liêu Ninh cũng bị chỉ trích vì đã làm giả dữ liệu kinh tế ít nhất là 5 năm, do đó, che giấu được những tác động của cuộc suy thoái kéo dài nhiều năm.
Các nhà thống kê của chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ điều chỉnh các chỉ số quốc gia để tính đến các báo cáo sai lệch trước đây của các tỉnh. Chúng cũng làm giảm sức nặng của dữ liệu kinh tế từng thời kỳ.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chính thức của Trung Quốc bị chậm lại từ năm 2012 đến 2016, vấn đề giả mạo số liệu ở các tỉnh phía bắc và đông bắc nước này cho thấy những dấu hiệu căng thẳng lớn hơn nhiều trên thực tế. Công nhân lao động ở khu vực này đang dần di cư sang các vùng khác do không thể chịu được áp lực về những thay đổi cơ cấu nền kinh tế, chuyển dịch sang khai thác khoáng sản để bù đắp cho nền kinh tế ốm yếu của địa phương.