Hậu Charlie Hebdo: Bỉ điều động quân đội, Anh nâng mức báo động khủng bố
Châu Âu hiện đang trong tình trạng báo động sau khi hơn hai chục vụ bắt giữ đã diễn ra trong một cuộc truy quét. Anh đã nâng mức độ nguy cơ khủng bố do lo sợ những vụ tấn công tương tự như vụ đã suýt xảy ra ở Bỉ, trong khi Brussels đã điều động quân đội để bảo vệ những địa điểm quan trọng.
An ninh của Bỉ đã được thắt chặt trước nguy cơ khủng bố Hồi giáo. |
Việc nâng mức báo động an ninh ở Anh xảy ra sau khi một cuộc tấn công vào một sào huyệt của một nhóm phần tử cực đoan ở Bỉ đã phát hiện ra một kế hoạch nhằm tấn công các sĩ quan cảnh sát. Theo truyền thông Anh, chính quyền nước này cho rằng một vụ tấn công tương tự có thể sẽ diễn ra ở Anh.
Theo đó, các binh lính tuần tra sẽ được trang bị thêm súng bắn điện nhằm nhanh chóng vô hiệu hóa đối phương. Không giống như các sĩ quan cảnh sát ở các nước châu Âu khác, cảnh sát Anh thường không có vũ khí. Sau tình hình an ninh căng thẳng tăng lên ở châu Âu, đã có những lo sợ vụ binh sĩ Anh tên Lee Rigby đã bị một phần tử Hồi giáo đâm chết vào tháng 5/2013 tại Woolwich, phía Nam London sẽ lặp lại lần nữa.
Đồng thời, cảnh sát Anh cũng tăng cường tuần tra ở các khu sinh sống người Do Thái do lo sợ những vụ tấn công nhằm vào những người này. Một trong những cuộc tấn công ở Paris diễn ra vào tuần trước đã diễn ra tại một cửa hàng tạp hóa Do Thái.
Trong chiến dịch này, Sở Cảnh sát Anh cho biết, một phụ nữ 18 tuổi đã bị bắt giữ tại sân bay Stansted ở Essex (Anh) vào ngày 16/1. Cô này bị tình nghi là thành viên của một tổ chức bí mật và tham gia vào âm mưu tiến hành hoạt động khủng bố.
Trong khi đó, quân đội đã được điều động để tuần tra các đường phố ở Bỉ. Có đến 300 binh sẽ hoạt động tại thủ đô Brussels và tại thành phố Anvers ở phía Bắc đất nước, nơi có đông người Do Thái sinh sống.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bỉ Steven Vandeput trả lời trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin VRT của Bỉ rằng, bên cạnh các khu dân cư của người Do Thái, các binh sĩ cũng sẽ canh gác đại sứ quán của một số nước.
Hiện một cuộc điều động tại thành phố Verviers, nơi hai kẻ tình nghi đã bị tiêu diệt trong một cuộc lùng bắt, đang được xem xét. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm, chính quyền Bỉ đã sử dụng quân đội để hỗ trợ cảnh sát trong thành phố.
Tại Đức, theo báo Der Spiegel, lực lượng an ninh đang điều tra những bức thư đe dọa nhằm tấn công ga tàu ở Berlin và Dresden cũng như đoàn biểu tình phản đối người Hồi giáo ở Dresden. Một nguồn tin giấu tên trong ngành cảnh sát đã nói với báo này rằng: “Chúng tôi rất cảnh giác với những lời đe dọa này”.
Hàng ngàn người đã tập trung biểu tình nhằm phản đối tranh biếm họa của Charlie Hebdo tại thành phố Zinder, Niger. |
Đức là một trong những nước đã tiến hành những cuộc truy bắt sau sự kiện xảy ra ở Bỉ đã dẫn đến việc phát hiện kế hoạch tấn công khủng bố. Hai người đàn ông ở độ tuổi 40 đã bị bắt, trong khi 3 người khác đã được thả sau thẩm vấn.
Vụ tấn công tại Pháp đã diễn ra sau khi các tay súng tấn công tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, bắn chết các biên tập viên, họa sĩ tranh biếm họa và sĩ quan cảnh sát. Vụ tấn công chết người nhắm vào một tờ tạp chí được biết đến với nội dung châm biếm tôn giáo, các chính trị gia và xã hội, được coi ở nhiều nước là một vụ khủng bố tàn bạo của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm ngăn chặn những lời phê phán và phá hoại quyền tự do ngôn luận ở Pháp.
Tuy nhiên, bản thân tạp chí Charlie Hebdo cũng là một ấn phẩm gây tranh cãi, khi đã đăng tải tranh biếm họa bị nhiều người theo đạo Hồi coi là sự phỉ báng và là sự thách thức đối với đạo Hồi. Ở một số nước Hồi giáo, người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với một số kênh thông tin đã đăng tải tranh biếm họa. Cờ nước Pháp bị đốt cháy ở một số nơi, trong khi ở Niger một cuộc biểu tình trước một trung tâm văn hóa Pháp khiến bốn người tử vong.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.