Hậu Brexit: Italia sẽ khởi đầu làn sóng tháo chạy khỏi Eurozone và EU
Liệu có hiệu ứng Domino sau sự kiện Brexit? |
Theo nhận định của tạp chí Financial Times, cùng với những hậu quả về mặt kinh tế, Brexit còn mang đến nhiều hậu quả nặng nề về mặt chính trị. Một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với EU là nguy cơ EU sẽ bị tan rã - điều theo tỷ phú Mỹ G.Soros là khó có thể tránh khỏi.
Hiện nay, người ta có thể nghe thấy những yêu cầu về việc sẵn sàng tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về quy chế thành viên trong EU ở khắp các “góc cạnh” của châu Âu. Điều đáng sợ là các yêu cầu này không xuất phát từ các quốc gia mới trở thành thành viên EU mà là xuất phát từ các quốc gia có tầm quan trọng rất lớn với EU. Hiện có đến hơn một nửa dân số Pháp, Italia và Đức cũng không phản đối tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế thành viên trong EU.
Tại Italia, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức vào tháng 10/2016 cho dù cuộc trưng cầu dân ý này không phải là về quy chế thành viên của Italia trong EU. Thủ tướng Italia Matteo Renzi mong muốn nhận được sự ủng hộ nhiều hơn của cử tri để tiến hành cuộc cải cách Hiến pháp.
Phân tích kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, Financial Times nhận định rằng Thủ tướng Italia đã quá mạo hiểm khi đặt ra vấn đề về tiến hành trưng cầu dân ý.
Hiện nay, Thủ tướng Matteo Renzi đang mong muốn người dân Italia sẽ đồng ý để ông tiến hành hàng loạt cải cách nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở nước này. Đề xuất của Chính phủ Italia về nguyên tắc là hợp lý và lô gic.
Tuy nhiên, rủi ro đối với Italia là ở chỗ người dân Italia coi cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 tới như là cơ hội để bày tỏ niềm tin hoặc không tin vào chính phủ trong giai đoạn Chính phủ của Thủ tướng Renzi đang ở giữa nhiệm kỳ.
“Năm ngôi sao” đang tích cực hành động
Được biết, phong trào “Năm ngôi sao” là tổ chức chính trị đã đạt được thành công lớn trong các cuộc bầu cử thị trưởng ở Italia và đã thành công trong việc đưa người của mình là Virdini Radzi vào ghế Thị trưởng Roma. Đây cũng là tổ chức lên tiếng kêu gọi tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về việc ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đưa Italia rút khỏi EU.
Tổ chức này đang lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Renzi phải thực hiện đúng lời hứa sẽ từ chức nếu như thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Xuất phát từ thực tế này, Financial Times nhận định rằng Italia hoàn toàn có thể trở thành điểm bất ổn chính trị tiếp theo ở EU sau Anh (Sở dĩ Anh phải tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit là do những vấn đề chính trị nội bộ và cả những vấn đề trong nội bộ đảng Bảo thủ).
Theo nhận định của Financial Times, “Năm ngôi sao” chắc chắn sẽ tận dụng thời cơ này để yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu dân ý tiếp theo về quy chế thành viên của Italia trong EU. Bản thân tổ chức này cũng đã lên tiếng rằng sẽ yêu cầu tiến hành cuộc trưng cầu dân ývề quy chế thành viên của Italia trong EU, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tháng 10 tới diễn ra theo xu hướng nào.Nếu như được tổ chức, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về quy chế thành viên của Italia trong EU sẽ rất khó lường. Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội do tổ chức Ipsos Mori tiến hành, hiện số lượng cử tri ủng hộ Italia ở lại trong EU chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với số cử tri mong muốn đưa Italia rút khỏi EU (52% so với 48%). Sự chênh lệch không đáng kể này sẽ khiến kết quả trưng cầu dân ý hoàn toàn đảo ngược so với kết quả thăm dò dư luận xã hội.
Thủ tướng Ý Renzi |
Nếu phe ủng hộ đưa Italia rời EU thắng thế, hậu quả đối với Italia sẽ hết sức nặng nề do 3 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, nền kinh tế Italia hiện đang phục hồi khá chậm chạm sau một thời gian suy thoái kéo dài và sự kiện Brexit sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực thực sự đến sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viê Eurozone và Italia không phải ngoại lệ.
Thứ hai, Brexit là đòn giáng mạnh vào hệ thống các ngân hàng của Italia, hệ thống vốn có nguồn lực tài chính khá thấp.
Thứ ba, (và là nguyên nhân quan trọng hơn cả), Italia có thể rơi vào hỗn loạn chính trị sau sự kiện này. Thất bại của Chính phủ và sự từ chức của Thủ tướng Renzi đồng nghĩa với chiến thắng dành cho “Năm ngôi sao” dưới sự đứng đầu của Beppe Grillo, nhân vật hết sức khó lường.
Hiện Chính phủ Italia vẫn đang rất tin tưởng vào kết quả thuận lợi của cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10 sắp tới. Tuy nhiên, Chính phủ Italia dường như lại quên mất kinh nghiệm đau thương của Chính phủ Anh khi vẫn tự tin đến phút cuối cùng.
Hơn nữa, sự không hài lòng của cử tri Italia đối với chính quyền địa phương cũng như không hài lòng với Brussels thậm chí còn lớn hơn nhiều so với người dân Anh. Khác với Anh, tỉ lệ thất nghiệp ở Italia khá cao, nền kinh tế đang ảm đạm và các vụ bê bối tham nhũng liên tục xảy ra.
Kết quả thăm dò dư luận xã hội do Trung tâm Nghiên cứu PewResearch Center tiến hành cho thấy giới lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu EU hiện nay không hài lòng nhất đối với hoạt động của Chính phủ Italia và Hy Lạp.
Bản thân người dân Italia lại đang cáo buộc đồng Euro chính là thủ phạm gây ra sụt giảm kinh tế của Italia.
Theo Financial Times, sự không hài lòng này có thể sẽ nảy sinh rủi ro Italia rút khỏi Eurozone. Nếu trường hợp này xảy ra, Eurozone sẽ nhanh chóng tan rã và dẫn đến sự tan rã của EU.
Italia không phải ngoại lệ
Thủ tướng Italia Renzi chắc hẳn hiểu rõ được những rủi ro phải đối mặt nhưng vẫn tin tưởng vào khả năng chiến thắng của mình. Tuy nhiên, hiện Italia không phải là quốc gia duy nhất muốn tiến hành trưng cầu dân ý, cho dù tỷ lệ ủng hộ trưng cầu dân ý ở Italia đang cao nhất trong EU (58%).
Ngoài Italia, Scotland cũng có thể tiến hành trưng cầu dân ý về tách khỏi Vương quốc Anh nếu như không thuyết phục được Anh thay đổi kết quả trưng cầu dân ý.
Đảng Sinn Fein ở Ireland đã lên tiếng kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý về việc thống nhất với Bắc Ireland và phần đông cử tri quốc gia này vẫn đang ủng hộ phương án giữ Ireland ở lại EU. Do đó, không loại trừ khả năng quốc gia này sẽ tiến hành trưng cầu dân ý tách khỏi Vương quốc Anh nếu Anh vẫn thực hiện Brexit.
Ở Pháp, thủ lĩnh đảng “Mặt trận dân tộc” Marine Le Pen coi kết quả trưng cầu dân ý ở Anh là một “chiến thắng”, còn Phó Chủ tịch đảng này là Florian Philippo thậm chí còn lên tiếng kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý đưa Pháp rút khỏi EU.
Trong khi đó, thủ lĩnh đảng cực hữu “Dân chủ” của Hà Lan Gert Vilders cũng kêu gọi lãnh đạo Hà Lan tiến hành cuộc trưng cầu dân ý tương tự như ở Anh. Ông này liên tục nhắc lại lời của Thủ tướng Mark Rutte về việc nếu Brexit xảy ra thì Hà Lan cần suy nghĩ về quy chế thành viên của mình trong EU.
Theo các thông tin do Reuters đưa ra, hiện quá trình thu thập chữ ký vào đơn thỉnh cầu đề nghị chính phủ tiến hành trưng cầu dân ý về việc đưa Slovakia rút khỏi EU cũng đã được khởi động.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Financial Times.