Hành vi của thám tử tư vụ bắt cóc, cướp 35 tỷ của doanh nhân
Giữa tháng 5, một nhóm kinh doanh tiền điện tử thua lỗ đã thuê thám tử, xã hội đen theo dõi một doanh nhân để bắt cóc, uy hiếp nạn nhân, cướp 35 tỷ đồng. Vụ việc gây chấn động vì có bàn tay của thám tử tư
Trưa 22/6, trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - C02 (Bộ Công an) cho biết lực lượng chức năng đã bắt 6 đối tượng trong nhóm cướp 35 tỷ đồng trong ví điện tử của một nhà đầu tư. Vụ việc xảy ra trên cao tốc TP.HCM - Dầu Giây vào ngày 18/5.
Nhóm nghi phạm bị cảnh sát tạm giữ. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Các đối tượng gồm: Hồ Ngọc Tài (31 tuổi), Trần Ngọc Hoàng (37 tuổi, cùng quê Đà Nẵng), Mai Xuân Phốt (28 tuổi, quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đức (24 tuổi, quê Đắk Lắk), Trương Chí Hải (31 tuổi), Trịnh Tuấn Anh (35 tuổi) và Bùi Quang Chung (24 tuổi, cùng ở TP.HCM).
Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, vào cuối tháng 5, các trinh sát phát hiện dấu hiệu một băng nhóm tội phạm sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn mới để cướp tài sản nên đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành theo dõi.
Cục trưởng C02 đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đề nghị tiến hành xác lập chuyên án đấu tranh và giao cho hai Phó cục trưởng C02 là Đại tá Lê Ngọc Phương và Đại tá Phạm Văn Tám trực tiếp chỉ đạo các trinh sát Phòng 6 xây dựng phương án đấu tranh, triệt phá và vào ngày 18/6, lực lượng chức năng C02 đã làm rõ ổ nhóm tội phạm trên.
Theo tài liệu điều tra, nhóm trên từng kinh doanh tiền điện tử nhưng thua lỗ và tìm mọi cách để xác định nguyên nhân. Thời điểm này, chúng thấy ông K. ở TP.HCM kinh doanh tiền điện tử thành công nên cho rằng doanh nhân này là nguyên nhân khiến chúng thất bại.
Cả bọn thống nhất tìm cách bắt cóc ông K. để đòi lại tiền.
Chúng thuê thám tử theo dõi ông K. Đến giữa tháng 5, biết ông K. cùng vợ và con nhỏ đi du lịch ở Đà Lạt, cả nhóm lên kế hoạch bắt cóc. Tại khách sạn gia đình ông K. thuê phòng, do đông người, chúng không dám thực hiện kế hoạch bắt người tống tiền.
Đến sáng 18/5, theo dấu ông K. từ Đà Lạt về tới đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chúng dàn cảnh một vụ va chạm giao thông. Khi ông K. xuống xe giải quyết thì 3 ô tô khác cùng với hơn 10 thanh niên cầm súng, dao, kim tiêm dính máu ập xuống bịt mắt, khống chế nạn nhân, đưa lên xe chở đi. buộc ông K. phải cung cấp mật khẩu ví điện tử.
Sau đó, nhóm này đã chuyển 35 tỷ đồng từ ví điện tử của ông K sang nơi khác. Chúng còn táo tợn tiếp tục yêu cầu ông K. gọi cho người nhà nhờ chuyển thêm 9,5 triệu USD vào ví để chiếm đoạt.
Tuy nhiên, qua điện thoại, người nhà nghe được tiếng kêu bất thường nên dừng giao dịch. Băng nhóm đã bỏ lại gia đình ông K. ở khu vực vắng người tại quận 2 (TP.HCM) rồi tẩu thoát.
Phân tích các tình tiết trong vụ việc, căn cứ theo các quy định của pháp luật, luật sư Phạm Thu Hà cho biết: “Việc chặn xe, dùng vũ lực, bắt giữ vợ con của ông K. để chiếm đoạt số tiền 35 tỷ đồng của nhóm các đối tượng nêu trên là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm các quan hệ mà Bộ luật Hình sự (BLHS) điều chỉnh. Các hành vi có đầy đủ các dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản theo Điều 168.
Việc dí súng vào đầu là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản. Với số tiền 35 tỷ đồng, theo khoản 4 Điều 168, mức hình phạt sẽ được áp dụng là bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nhóm tội phạm này còn phạm tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và bị xử lý theo Điều 169 BLHS”.
Luật sư Phạm Thu Hà trao đổi với phóng viên về vụ việc. |
“Các đối tượng đã có hành vi khống chế, bắt vợ con của nạn nhân lên một xe khác, kèm theo đó chắc chắn sẽ có hành vi đe dọa chính vợ con nạn nhân. Rõ ràng, đây là hành vi trái pháp luật, thực hiện công khai, có tính toán. Hành vi của các đối tượng trong băng nhóm này là cực kì nguy hiểm cho xã hội, cần phải nhanh chóng xử lý và thật nghiêm khắc”, luật sư Hà khẳng định.
Cũng theo nữ luật sư này, hành vi của người được thuê thực hiện dịch vụ thám tử, theo dõi tung tích, hành vi của gia đình nạn nhân cũng cần phải xem xét liệu có phải đồng phạm đối với nhóm đối tượng trên hay không?
"Theo nội dung vụ việc, băng nhóm trên đã cướp của ông K. khoảng 35 tỷ đồng. Số tiền này chúng trả công cho giang hồ và thám tử trên 1 tỷ đồng, số còn lại chia nhau.
Thám tử biết rõ hành vi theo dõi để phục vụ cho kế hoạch cướp tài sản, bắt cóc con tin của các đối tượng thì sẽ là đồng phạm trong các tội trên.
Cần phải có kết luận điều tra của cơ quan công an để khẳng định nhóm này liên quan ở mức độ nào và bị xử lý ra sao", luật sư Thu Hà nói.
Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Do đó, mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật. Cả người cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành.
Tiến Dũng