Hàng ngàn người Đức phải đi tiêm lại vắc-xin Covid-19
Hàng ngàn người ở Đức bị nữ y tá tiêm nước muối thay vì vắc-xin Covid-19 mà trong số này đa phần là người cao tuổi.
Hôm 10/8, chính quyền Đức kêu gọi hàng ngàn người đi tiêm lại vắc-xin Covid-19, sau khi cảnh sát phát hiện một y tá của tổ chức Chữ Thập Đỏ đã tiêm dung dịch muối cho người dân thay vì vắc-xin thật.
Reuters đưa tin, nữ y tá bị nghi ngờ đã tiêm nước muối vào tay người dân thay vì một liều vắc-xin Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở thị trấn Schortens thuộc quận Friesland của Đức. Vụ việc được biết xảy ra vào mùa xuân năm nay.
Hàng ngàn người ở Đức phải đi tiêm lại vắc-xin Covid-19 do trước đó bị tiêm nước muối. (Ảnh: Reuters) |
“Tôi hoàn toàn bị sốc vì sự việc này”, ông Sven Ambrosy, ủy viên thuộc hội đồng quận Friesland cho biết.
Chính quyền địa phương ước tính, khoảng 8.600 người có thể bị ảnh hưởng bởi vụ việc.
Dù nước muối là vô hại, nhưng những người đi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 ở Đức từ tháng 3 – 4 và cũng là khoảng thời gian nhân viên y tế tắc trách làm việc, đều là người cao tuổi. Do đó, họ có nguy cơ cao tử vong nếu không may nhiễm virus corona. Cụ thể, những người bị tiêm nước muối thay vì vắc-xin Covid-19 đã trên 70 tuổi và sự việc xảy ra từ ngày 5/3 – 20/4 tại trung tâm tiêm chủng ở Schortens-Roffhausen thuộc quận Friesland.
Cảnh sát điều tra Peter Beer cho biết, dựa trên lời khai của các nhân chứng, sự việc được đánh giá là mang tính chất nguy hiểm.
RT cho hay, nữ y tá từng làm việc tại trung tâm tiêm chủng Schortens-Roffhausen từ đầu năm 2021 đã thú nhận với người đồng nghiệp vào cuối tháng Tư rằng, cô đã chuẩn bị 6 ống tiêm chứa dung dịch muối sau khi làm rơi vỡ một lọ vắc-xin Pfizer. Để che giấu sự việc, nữ y tá đã tiêm nước muối cho người dân thay vì vắc-xin Covid-19 Pfizer.
Vào thời điểm này, chính quyền địa phương đã cho làm xét nghiệm với khoảng 200 người cùng được tiêm vào một ngày vì không biết ai là người được tiêm vắc-xin Covid-19 và ai bị tiêm nước muối. Nữ y tá cũng đã bị đình chỉ công tác ngay khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra.
Nhưng sau đó, cơ quan chức năng phát hiện số người bị tiêm nước muối tăng lên nhanh chóng. Theo đó, tổng cộng 9.673 đã được tiêm tại trung tâm tiêm phòng Schortens-Roffhausen từ ngày 5/3 – 20/4, nhưng không phải tất cả họ không được tiêm vắc-xin Covid-19 thật.
Tên của nữ y tá và động cơ tiêm nước muối thay vì vắc-xin Covid-19 vẫn chưa được phía cảnh sát công bố. Tuy nhiên, người này từng đưa một số quan điểm hoài nghi về vắc-xin, cũng như chỉ trích cách phòng dịch Covid-19 của chính phủ Đức trong các bài đăng trên mạng xã hội trước ngày 21/4.
Hiện vẫn chưa rõ nữ y tá bị bắt hay bị buộc tội hay chưa. Còn theo NDR, sự việc đã được chuyển cho một đơn vị đặc nhiệm của Đức để điều tra khả năng hành động này mang động cơ chính trị. Nghi phạm trong sự việc được xác định là duy nhất nữ y tá, người chịu trách nhiệm bơm vắc-xin vào các ống tiêm để chuẩn bị tiêm cho người dân.
Đức không phải là quốc gia duy nhất chứng kiến các vụ bê bối liên quan tới chiến dịch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 toàn dân. Tại Pháp, khoảng 140 người từng đi tiêm tại trung tâm tiêm phòng ở Bệnh viện Đại học Reims thuộc thị trấn Epernay, nằm cách thủ đô Paris 130 km về phía đông bắc, cũng đã bị tiêm dung dịch muối thay vì vắc-xin Covid-19 thật. Sự việc xảy ra vào tháng Tư và liên quan tới nhiều nhân viên y tế ở Pháp.
Hiệu quả ngăn biến chủng Delta của các loại vắc-xin Covid-19 trên thế giới
Biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh trở thành phép thử về mức độ hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc-xin Covid-19 trên thế giới.
Minh Thu (lược dịch)