Hàng loạt máy bay ném bom Mỹ “biến mất” khỏi bán đảo Triều Tiên
Tướng Charles Brown, người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ chia sẻ trước các phóng viên tại Lầu Năm Góc rằng, việc dừng tiến hành các chuyến bay của dàn máy bay ném bom trên bán đảo Triều Tiên là nhằm tạo điều kiện xúc tiến những nỗ lực ngoại giao hướng tới giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Oanh tạc cơB-1B Lancer của không quân Mỹ. |
“Trong bối cảnh diễn ra những nỗ lực ngoại giao, chúng tôi không muốn có bất cứ hành động nào phá hỏng các cuộc đàm phán ngoại giao. Đây là một phần lý do chúng tôi không cho các máy bay ném bom bay phía trên Hàn Quốc”, AP dẫn lời Tướng Brown.
Nằm trong chiến lược “Sứ mệnh hiện diện máy bay ném bom liên tục”, không quân Mỹ đã duy trì hoạt động của dàn oanh tạc cơ B-1B, B-52 và B-2 trên đảo Guam kể từ năm 2004.
Lực lượng oanh tạc cơ này thường xuyên triển khai các chuyến bay trong khu vực cũng như phối hợp bay chung với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa huấn luyện mà còn tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và nhiều đối thủ tiềm tàng khác.
Tuy nhiên, theo Tướng Brown, dù không còn triển khai các chuyến bay trên bán đảo Triều Tiên, nhưng tổng số chuyến bay mà các oanh tạc cơ Mỹ tiến hành trong khu vực vẫn sẽ không thay đổi.
Ngoài ra, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng Sáu, quân đội Mỹ - Hàn hoặc hủy bỏ hoặc giảm bớt quy mô nhiều cuộc diễn tập trung.
Trong cuộc gặp với ông Kim, Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố Mỹ sẽ cho dừng tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc khi cho rằng đây là hoạt động “phung phí tiền bạc và mang ý khiêu khích”.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, Mỹ - Hàn sẽ giảm bớt quy mô cuộc diễn tập “Đại bàng non”, dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2019.
“Đại bàng non” hiện là cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất được quân đội Mỹ - Hàn tổ chức và thường bị chính quyền Bình Nhưỡng lên án là hành động chuẩn bị cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.