Hàng chục căn bệnh cận kề vì ăn uống mất cân bằng
Hiện nay, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng, đặc biệt là trẻ em. Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (5-19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% năm 2020, trong đó ở khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Nguyên nhân gây béo phì bao gồm di truyền, một số bệnh lý nội tiết (tổn thương vùng hạ đồi gây ăn nhiều, suy sinh dục, suy giáp, cường vỏ thượng thận, u tụy). Đặc biệt, béo phì do thói quen ăn uống cân bằng.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như chế độ ăn có nhiều muối, nhiều tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau, lười vận động.
Những hậu quả khi béo phì:
Bệnh xương khớp: Béo phì dễ gây thoái hóa khớp (khớp gối, cột sống thắt lưng, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, đau nhức triền miên) do áp lực từ trọng lượng cơ thể lên xương khớp.
Bệnh lý tim mạch: Người béo phì thường kèm bệnh mỡ trong máu. Khi mỡ máu cao dễ gây xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mặt khác, ở người thừa cân béo phì, tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi cơ thể nên dễ mắc các bệnh về tim mạch. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân.
Bệnh tiểu đường: Bệnh thừa cân béo phì là nguyên nhân trực tiếp gây ra đái tháo đường type 2. Năm 2019, tỷ lệ người mắc đái tháo đường type 2 ở nước ta chiếm khoảng 5,7% dân số, tức khoảng 3,8 triệu người. Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này ước tính sẽ tăng lên đến 7,7%, tức số người mắc đái tháo đường tăng lên gần gấp đôi là 6,1 triệu người.
Bệnh lý đường tiêu hóa: Béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Mỡ dư ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ tụ lại nhiều ở mật gây sỏi mật.
Suy giảm trí nhớ: Trẻ thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.
Bệnh lý đường hô hấp: Sự tích tụ nhiều mỡ ở lồng ngực, cơ hoành và ổ bụng sẽ gây nên hiện tượng khó thở, ngáy. Béo phì nặng có thể gây nên những đợt ngưng thở vào ban đêm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Rối loạn nội tiết: Phụ nữ béo phì thường dễ bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.
Béo phì và nguy cơ ung thư: Người thừa cân béo phì đều mắc chứng mỡ trong máu cao và insulin trong máu cao, khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch tăng cao, giảm khả năng diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch trong cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa béo phì và ung thư như thực quản, trực tràng, vú, tử cung, gan, mật và tuyến tiền liệt.
Ảnh hưởng tâm lý: Béo phì khiến cơ thể trở nên quá khổ, gây ra tâm lý tự ti, căng thẳng, mất tự tin trong giao tiếp, kém linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày... dẫn đến làm giảm sút hiệu quả công việc.
Vì vậy, nếu trong tình trạng béo phì, bạn cần lên kế hoạch giảm cân bằng cách thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục 45 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, ăn nhiều rau xanh, chất xơ.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thuý Hằng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3)