Hàn - Triều ký kết hiệp ước quân sự, Mỹ "không vừa lòng"
Trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng trước, hai nhà lãnh đạo Hàn – Triều đã đồng thuận dừng các cuộc tập trận quân sự, thiết lập vùng cấm bay gần khu vực biên giới cũng như dần dần tiến hành gỡ bỏ mìn và các trạm canh gác trong vùng phi quân sự cùng nhiều hoạt động khác.
Mối quan hệ Hàn - Triều đang trở nên nồng ấm một cách nhanh chóng. |
Hiệp ước quân sự được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh song phương lần thứ 3 ở thủ đô Bình Nhưỡng từ ngày 18 – 20/9.
Theo Reuters, trong cuộc họp kiểm toán quốc hội thường niên diễn ra vào ngày 10/10, một nghị sĩ đảng đối lập Hàn Quốc đã hỏi Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha rằng Ngoại trưởng Mỹ Pompeo có than phiền gì hay không về hiệp ước quân sự Hàn – Triều trong một cuộc trao đổi qua điện thoại được tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin trước đó.
“Có, đây là sự thật. Ông ấy đã tỏ ra không hài lòng và đã đặt rất nhiều câu hỏi trong phạm vi hiểu biết của tôi”, bà Kang thừa nhận.
Lời nói của bà Kang được xem là lần hiếm hoi một quan chức Hàn Quốc xác nhận Seoul và Washington bất đồng quan điểm giữa lúc Mỹ lo ngại mối quan hệ Hàn – Triều trở nên nồng ấm một cách nhanh chóng nhờ quá trình đàm phán tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Dù là đồng minh quân sự với Mỹ, Hàn Quốc vẫn có những bước đi riêng nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên, ngay cả khi Tổng thống Moon bị chỉ trích là khoe mẽ thay vì tập trung vào thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trước đó, trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng Sáu, ông Kim cũng đã hứa sẽ tiến hành giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hành động của Triều Tiên bị đánh giá là chưa đáp ứng được những yêu cầu mà Mỹ đưa ra như cho mở cửa tất cả các cơ sở hạt nhân và kho chứa nguyên liệu để các thanh sát viên vào làm việc.
Khi được hỏi về việc liệu Mỹ có nghĩ Hàn Quốc đang đẩy quá nhanh tiến độ thực hiện chính sách tái hòa giải với Triều Tiên, bà Kang cho rằng đây chỉ là hành động “phù hợp với tiến trình hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên.
“Theo tôi, thỏa thuận quân sự Hàn – Triều sẽ không tạo ra được những thay đổi lớn trong mối quan hệ Mỹ - Hàn, nhưng Mỹ có thể sẽ than phiền về việc Hàn Quốc đã có những bước nhân nhượng nhiều hơn so với Triều Tiên nhất là giai đoạn chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Mỹ có vẻ thích phương pháp tương hỗ để các bên dần dần có những bước nhượng bộ thay vì chiến lược mặc cả toàn diện như chúng ta đã làm”, một nguồn tin quân sự giấu tên của Hàn Quốc nói.
Còn theo một nguồn tin ngoại giao khác, bà Kang và ông Pompeo đã có cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 17/9, một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh 3 ngày tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ngay sau cuộc họp ở Bình Nhưỡng, Seoul đã sớm thông báo cho Washington về hiệp ước quân sự giữa Hàn – Triều.