Hàn Quốc sắp trở thành "đại gia" trong làng vũ khí thế giới?
Viện Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI), một tập đoàn quốc phòng lớn của xứ sở kim chi, hiện đang tham gia đấu thầu dự án T-X của không quân Mỹ. Theo đó, hải quân Mỹ sẽ thay thế phi đội gồm 350 chiếc máy bay huấn luyện T-38. Thương vụ này có trị giá 16 tỷ USD.
Hiện tại, KAI cũng đang tìm cách tham gia dự án nâng cấp phiên bản máy bay huấn luyện siêu âm T-50 Golden Eagle cùng với tập đoàn Lockheed Martin. Hai tập đoàn này còn thành lập một công ty liên doanh để cạnh tranh với nhóm của Boeing-Saab. Máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi T-50 đang được quân đội Hàn Quốc sử dụng và đã được xuất khẩu sang Indonesia, Iraq, Thái Lan cũng như Philippines.
Máy bay huấn luyện T-50A. |
"T-50 và phiên bản máy bay chiến đấu FA-50 đang hoạt động hiệu quả trên thế giới. Một số quốc gia đã đặt hàng và tỏ ra khá hài lòng. Nếu KAI và Lockheed Martin được lựa chọn để thực hiện dự án nâng cấp T-50, KAI sẽ có cơ hội mở rộng thị trường cho dù Mỹ sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn số máy bay này", Yonhap dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), ông Siemon Wezeman.
Sau dự án T-X, không quân Mỹ khả năng sẽ cân nhắc mua thêm hàng trăm máy bay huấn luyện T-50. Hồi đầu tuần này, Thái Lan cũng đã thông báo sẽ mua thêm 8 chiếc T-50 với trị giá 257 triệu USD.
Hiện tại, KAI đang sản xuất phiên bản chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50. Giới chức của tập đoàn KAI cho hay Botswana và Argentina là hai trong số những thị trường tiềm năng sẽ mua FA-50.
Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn trong thị trường mua bán vũ khí toàn cầu. Điều này được thể hiện qua doanh thu xuất khẩu vũ khí Hàn Quốc. Điển hình, trong năm 2006, Hàn Quốc thu về 297 triệu USD, tới năm 2014 con số này đã tăng lên 3,61 tỷ USD nhưng tới năm 2015 thì sụt giảm còn là 3,59 tỷ USD và tới năm 2016 chỉ còn 2,54 tỷ USD.
Không thể phủ nhận thực tế, các mặt hàng quốc phòng công nghệ cao của Hàn Quốc cũng đang dần tiến bước vào thị trường vũ khí Mỹ. Thành công của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc không thể thiếu hoạt động chuyển giao công nghệ từ Mỹ và việc Mỹ bán số lượng lớn vũ khí cho Hàn Quốc.
Mới chỉ cách đây vài năm, Hàn Quốc chỉ tập trung vào sử dụng các mặt hàng vũ khí phục vụ nhu cầu trong nước thì nay quốc gia này đã trở thành nhà xuất khẩu thiết bị hải quân, bộ binh và hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
"Nếu KAI có thể giành được bản hợp đồng T-X, đây sẽ dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc. Hình ảnh ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc sẽ được khẳng định trên thế giới", Yonhap dẫn lời ông An Sang-nam, nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.
Cũng theo ông An, quân đội Hàn Quốc hiện có 620.000 binh sĩ với kinh nghiệm dày dặn trong việc sử dụng các loại vũ khí thực chiến. Do đó, ông An nhấn mạnh với lợi thế này, Hàn Quốc có thể hỗ trợ quá trình chuyển giao, đào tạo binh sĩ cho các quốc gia Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Phi khi mua vũ khí của Hàn Quốc.
Ngoài việc hợp tác với tập đoàn nước ngoài, các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc còn có nhiều sản phẩm tự sản xuất và được xuất khẩu ra nước ngoài.
Cụ thể, KAI đang chuẩn bị cho thương vụ đầu tiên xuất khẩu trực thăng đa nhiệm Surion ngay trong năm nay. Trong đó, Indonesia và Peru là hai khách hàng tiềm năng.
Còn tập đoàn Hanwha Techwin đang trong giai đoạn cuối đàm phán với Ấn Độ để chuyển giao bản hợp đồng trị giá 720 tỷ won (623 triệu USD) bán pháo tự hành cỡ nòng 155 m K-9 Thunder. K-9 Thunder cũng đã được Hàn Quốc xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Phần Lan. Ngoài ra, Hàn Quốc có thể xuất khẩu K-9 Thunder sang Na Uy, Australia và Ai Cập trong thời gian tới.
Một buổi triển lãm giới thiệu các mặt hàng vũ khí tại Hàn Quốc. |
Còn theo giới chuyên gia, đối với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng chi ngân sách quốc phòng và yêu cầu các quốc gia đồng minh gánh vác thêm phần ngân sách quốc phòng của mình, thực sự là tin tốt. Bởi nhu cầu mua vũ khí đang gia tăng tại các quốc gia Bắc Âu, Đông Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Đây cũng chính là những thị trường chính mà các nhà xuất khẩu vũ khí Hàn Quốc chú trọng.
Nhà nghiên cứu Wezeman nhấn mạnh thêm, hoạt động buôn bán vũ khí của Hàn Quốc đang đối mặt với cả thách thức và cơ hội trong những năm tới.
"Mức độ cạnh tranh rất lớn ngay cả đối với các quốc gia được xếp cùng đẳng cấp công nghệ như châu Âu, Israel và Mỹ cũng như với những quốc gia buôn bán vũ khí giá rẻ như Trung Quốc, Nga và Ukraine", ông Wezeman nói.
Nhưng điều này cũng không thể cản bước các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc tìm kiếm thêm khách hàng. Cụ thể, LIG Nex1, nhà sản xuất thiết bị radar và vũ khí có điều khiển đang tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Trung Đông thông qua thương vụ mua bán tên lửa chống tăng tầm trung Raybolt (Hyungung) và tên lửa đất đối không vác vai KP-SAM (Shingung). Còn Tập đoàn đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering thì đang sản xuất 3 tàu ngầm cho quân đội Indonesia.
Theo Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET), giá trị xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc sẽ đạt 12 tỷ USD trong năm nay nếu tập đoàn KAI giành được thương vụ T-X và các dự án xuất khẩu của những tập đoàn khác diễn ra thành công.
Cũng theo ông Wezeman, Hàn Quốc nên mở rộng đối tác để cắt giảm chi phí phát triển các thiết bị quân sự công nghệ cao như hợp tác với Indonesia trong chương trình phát triển chiến đấu cơ thế hệ 4.5 KF-X.