Hàn Quốc "quyết đấu" với tàu cá Trung Quốc
Tạp chí The Diplomat đưa tin hồi đầu tuần này, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc (KCG) cho hay họ đã bắn súng về phía một tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép gần Incheon. Đây là lần đầu tiên KCG bắn súng nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép của tàu cá Trung Quốc sau khi giới chức Seoul tuyên bố áp dụng các biện pháp mạnh tay nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm hải phận nước này.
Cụ thể, đây là vụ đối đầu giữa KCG với khoảng 30 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần biển Hoàng Hải giáp với Triều Tiên. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra xung đột giữa lực lượng chức năng Hàn Quốc và ngư dân Trung Quốc. Sau nhiều lần phát cảnh báo yêu cầu tàu cá Trung Quốc dừng lại, tàu cá Trung Quốc vẫn quyết tâm đâm vào tàu KCG buộc lực lượng Hàn Quốc phải bắn chỉ thiên. Tuy nhiên, hành động bắn chỉ thiên cũng chưa phát huy tác dụng buộc KCG phải sử dụng súng máy bắn vào sát mũi tàu Trung Quốc. Kết quả, 2 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ và rất may không ai bị thương.
Tàu hải cảnh Hàn Quốc (trên cùng)được huy độngbảo vệ tàu cá nước nàytrước mối lo bi tàu cá Trung Quốc tấn công. |
Vụ đụng độ đã làm gợi nhớ tới vụ việc một tàu tuần tra cỡ nhỏ của KCG bị tàu cá cỡ lớn Trung Quốc đâm va và đánh chìm gần đảo Socheong hồi tháng 10. Ông Lee Joo-seong, người đứng đầu KCG khu vực miền trung Hàn Quốc đã gọi hành động của Trung Quốc là “cố tình giết người” và nhấn mạnh sẽ có hình phạt nghiêm trị đối với ngư dân Trung Quốc liên quan tới vụ việc trên.
Thậm chí, ông Woo Sang-ho, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập Minjoo của Hàn Quốc khẳng định “hành động bạo lực và trái phép của các tàu cá Trung Quốc đã vượt sức chịu đựng và họ đang biến thành cướp biển”.
Quan trọng hơn, điều khoản liên quan tới TZ quy định tàu thuyền hai nước không được phép đánh bắt ở khu vực này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tàu cá Trung Quốc ngày càng thường xuyên xuất hiện ở TZ của Hàn Quốc và làm bùng phát những cuộc đụng độ bạo lực giữa KCG và ngư dân Trung Quốc.
Trong quá khứ, một số vụ đụng độ còn cướp đi sinh mạng của cả lực lượng KCG và ngư dân Trung Quốc. Điển hình, hồi đầu tháng 10, một ngư dân Trung Quốc đã thiệt mạng sau vụ đụng độ với KCG ở khu vực cách đảo Wangdeung-do, 90 dặm về phía tây. Hồi tháng Chín, 3 ngư dân Trung Quốc thiệt mạng khi cố thủ trong buồng lái để tránh bị các nhân viên KCG bắt giữ. Còn trong tháng 12/2010, một ngư dân Trung Quốc thiệt mạng khi cố tình chống trả các nhân viên KCG làm nhiệm vụ. Từ năm 2008, 2 nhân viên KCG thiệt mạng và 73 người khác bị thương trong quá trình bắt giữ các tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.
Theo KCG, các tàu cá Trung Quốc hiện đang sử dụng phương thức dùng dây nối các tàu lại với nhau nên tàu của KCG khó có thể tiếp cận để tiến hành kiểm tra. Thậm chí, ngư dân Trung Quốc còn sẵn sàng sử dụng các thanh sắt, ống nước, búa, dao để chống trả lực lượng chức năng Hàn Quốc.
Không chỉ trên biển Hoàng Hải, ngay cả ở khu vực bờ biển Indonesia và Argentina, ngư dân Trung Quốc cũng sẵn sàng thách thức nỗ lực ngăn chặn của lực lượng hải cảnh địa phương, dẫn tới một số cuộc xung đột đẫm máu.