Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đầu về rót vốn FDI vào Việt Nam
Vốn FDI đăng ký đạt 12,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn FDI đăng ký cho dự án mới là 5,6 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ; Vốn FDI đăng ký bổ sung cho dự án hiện hữu là 4,7 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ; Vốn FDI đăng ký dùng để mua cổ phần tại các công ty hiện hữu là 1,8 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, vốn FDI giải ngân đạt 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, nhờ vốn giải ngân trong tháng 5 tăng mạnh và đạt 1,35 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vẫn thuộc các ngành chủ chốt, trong đó ngành sản xuất chiếm 67% tổng vốn FDI đăng ký; khai khoáng 11%; bán buôn và bán lẻ 7%; BĐS 5%. Hàn Quốc đứng đầu về đầu tư vốn FDI vào Việt Nam, chiếm 36% tổng vốn FDI đăng ký; tiếp đến là Nhật Bản 16% và Singapore 10%.
Hai dự án đầu tư mới là dự án đường ống dẫn khí Ô-Môn tại Kiên Giang, được cấp phép vào ngày 20/4 với quy mô 1,27 tỷ USD; và dự án cơ sở hạ tầng KCN VSIP III tại Bình Dương với quy mô 285 triệu USD.
Một số dự án hiện hữu được phép nâng vốn đầu tư gồm: Dự án Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh được nâng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD; Dự án nhà máy Polytex Far Eastern tại Bình Dương; Dự án Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội.
Vốn FDI giải ngân và cam kết không tăng mạnh nhưng vẫn có sự tăng tốc so với nửa cuối năm ngoái. Một số dự án lớn như đường ống dẫn khí Ô-Môn và Samsung Display đã được lên kế hoạch giải ngân vốn FDI từ lâu. Đây là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp có liên quan như CTCP Đầu tư Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC); Tổng Công ty Viglacera (VGC) và cả Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS).
KBC và VGC là những doanh nghiệp kinh doanh mặt bằng khu công nghiệp, trong khi GAS là đơn vị cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và đối tác nước ngoài là Mitsui Oil Exploration (Nhật Bản) và PTT Exploration & Production (Thái Lan) đầu tư cấp phép dự án xây dựng đường ống dẫn khí thiên nhiên lô B - Ô Môn (Kiên Giang).
Liên quan đến Tổng Công ty Viglacera (VGC), ngày 29/05 công ty đã bán 120 triệu cổ phiếu, tương đương 39% cổ phần thông qua đấu giá với giá khởi điểm là 12.300 đồng/cp. Khối lượng đăng ký đạt 314,3 triệu cổ phiếu so với 120 triệu cổ phiếu chào bán. Có tổng số 1.026 NĐT đăng ký tham gia đấu giá, trong đó, 948 là NĐT cá nhân và 78 là NĐT tổ chức. Giá đấu thành công bình quân là 16.175 đồng/cp.
Sau khi bán thành công 39% vốn, VGC đã giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng từ 78,8% xuống còn 56,7%.