Hàn Quốc muốn “níu kéo” quân đội Mỹ ở lại bán đảo Triều Tiên
Lầu Năm Góc đã tham gia vào hoạt động kiểm soát quân sự cùng quân đội Hàn Quốc trong những năm 1950 – thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vào năm 1994, Mỹ quay trở lại kiểm soát quân sự cùng Seoul trong thời bình, khi mà Hàn Quốc vẫn duy trì đến 640.000 lính nghĩa vụ quân sự do lo sợ chiến tranh.
Trong năm 2007, Hoa Kỳ đồng ý trao trả quyền lực quân sự cho Hàn Quốc vào năm 2012. Tuy nhiên, thời hạn trên đã bị đẩy đến năm 2015 cách đây vài năm, khi mà những căng thẳng liên Triều leo thang và sự lo sợ của Seoul về một lực lượng quân đội đang suy yếu.
Liên minh quân sự Hàn Quốc - Mỹ |
Vào đầu năm 2013, sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt mối đe dọa hạt nhân, các quan chức Hàn Quốc đã gửi một yêu cầu khác, đề nghị phía Mỹ “xem xét lại” kế hoạch chuyển giao quân sự thông qua các kênh khác nhau, bao gồm cả trong cuộc họp tháng giữa họ với Tướng James D. Thurman, Chỉ huy quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Thông tin trên được Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Đại tá Wi Yong-seob cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin, cũng đã thảo luận về vấn đề này với người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Chuck Hagel, khi họ gặp nhau bên lề các cuộc đàm phán an ninh đa phương tại Singapore ngày 1/6 vừa qua.
Đại tá Wi lưu ý rằng Hàn Quốc không được công khai khẳng định về kế hoạch hoãn lại này. Lầu Năm Góc sẽ xem xét kế hoạch dựa trên các mục tiêu của họ, bao gồm cả việc “Chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng trầm trọng”.
Ngôn ngữ thận trọng như vậy phản ánh mong muốn của Seoul để tìm kiếm một giải pháp im lặng và tránh tranh chấp nào có thể xảy ra với Washington.
Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 vào tháng Hai và phản ứng với biện pháp trừng phạt của quốc tế bằng cách liên tục đe dọa tấn công, các chính trị gia bảo thủ của Hàn Quốc có liên kết với đảng cầm quyền của Tổng thống Park Geun-hye đã lập luận rằng Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng nắm quyền chỉ huy quân sự thời chiến của mình vào năm 2015.
Tại Lầu Năm Góc, các quan chức cấp cao xác nhận rằng vấn đề này đang được thảo luận. Tuy nhiên, một quan chức khác cho biết “không có đề nghị chính thức để điều chỉnh kế hoạch". "Cả hai bên đã khẳng định lại, và tiếp tục làm việc để đáp ứng các điều kiện" cho việc chuyển giao vào năm 2015, các quan chức giấu tên cho biết.
Tướng Martin E. Dempsey, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân, nói với Thượng viện Mỹ hồi tuần trước rằng quân đội Hàn Quốc "là một lực lượng rất có khả năng, nhưng có một số trở ngại để đạt được" một số bước tiến mà các đồng minh đã đặt ra cho sự chuyển giao kiểm soát quân sự, bao gồm cả việc mua vũ khí, dự trữ đạn dược và làm chủ nền tảng giám sát nhất định.
Tướng Dempsey tuyên bố ông ủng hộ thời gian đã ấn định, và lưu ý rằng Tướng Thurman và nhóm của ông đang làm việc với phía đối tác Hàn Quốc để giúp họ "đáp ứng các yêu cầu và khả năng".
Seoul hiện đang đàm phán một loạt các hợp đồng mua vũ khí với Hoa Kỳ, bao gồm cả tên lửa và máy bay chiến đầu thế hệ mới. Hai bên dự kiến sẽ thảo luận về các yêu cầu của Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán quốc phòng thường xuyên của họ trong những tháng tới, các quan chức ở Seoul cho biết.
Triều Tiên xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân là để chống lại "sự thù địch" của Mỹ |
Khi quân đội Triều Tiên áp đảo lực lượng Hàn Quốc trong đầu thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ, Syngman Rhee đã phải trao quyền kiểm soát hoạt động quân sự cho tướng Douglas MacArthur, Chỉ huy quân đội Mỹ lúc đó đang chiến đấu dưới lá cờ Liên Hợp Quốc.
Mỹ đã duy trì chế độ kiểm soát này như là lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ huy lực lượng vũ trang của Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tượng trưng cho cam kết của Washington. Nhưng khi nền kinh tế liên tục tăng cao trong nhiều thập kỷ gần đây, niềm tự hào dân tộc trong sâu thẳm của Hàn Quốc bắt đầu sống lại, và họ nỗ lực để bắt đầu lấy lại quyền chỉ huy quân sự.
Tuy vậy, thái độ của Hàn Quốc một lần nữa thay đổi sau khi phe bảo thủ lên nắm quyền vào năm 2008 với Tổng thống Lee Myung-bak. Đặc biệt là kể từ sau khi một tàu tuần tra của Hải quân Hàn Quốc bị chìm trong một vụ nổ do phía Triều Tiên tấn công bằng ngư lôi vào năm 2010.
Các đảng đối lập ở Hàn Quốc phản đối sự chậm trễ chuyển giao kiểm soát quân sự. Họ cho rằng việc bố trí phòng thủ theo cách cũ cản trở sự phát triển của quân đội và giữ lực lượng này quá phục thuộc vào đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, đảng bảo thủ thì cho rằng, quá trình chuyển giao sớm có thể khiến Washington và Seoul mất đi một vị thế quan trọng trong việc đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên: Bình Nhưỡng đang tìm cách giảm bớt và cuối cùng là xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của quân đội Mỹ trên bán đảo.
Ngày 20/7, Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên cảnh báo rằng sự chậm trễ trong việc chuyển giao quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ là “một tội ác chống lại dân tộc”. Triều Tiên cũng cho biết nước này xây dựng vũ khí hạt nhân để chống lại sự thù địch của Mỹ và từ lâu đã yêu cầu Washington rút quân sự ra khỏi bán đảo này.