Hàn Quốc không đủ sức chống đỡ trước đòn tấn công của Triều Tiên?
Triều Tiên mới triển khai 4 giàn phóng tên lửa đa nòng trên một hòn đảo nằm tại khu vực giáp Hàn Quốc, làm dấy lên câu hỏi liệu Seoul đã có phương án chuẩn bị đối phó với lực lượng tên lửa và pháo binh của Bình Nhưỡng đang nhắm vào các mục tiêu trọng điểm ở Seoul và những khu vực xung quanh.
Tờ Korea Herald cho hay trong những năm gần đây, chính sách quốc phòng của Hàn Quốc tập trung vào phương án đối phó với mối đe dọa từ các hệ thống vũ khí chiến lược của Triều Tiên gồm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân cũng như các loại pháo tầm xa, giàn phóng tên lửa đa nòng.
Triều Tiênđặt một khẩuđội pháo (vòng tròn đỏ)trên đảoGaldo, nằm cách đảoYeonpyeongdo của Hàn Quốc chỉ 4,5 km. |
Theo giới phân tích, mục đích thực sự của việc Triều Tiên đưa 4 giàn phóng tên lửa đa nòng ra hòn đảo giáp biên giới vẫn chưa được làm rõ. Song, hành động điều động 4 giàn phóng tên lửa nòng cỡ 122mm ra đảo Galdo, nằm cách đảo Yeonpyeongdo của Hàn Quốc chỉ 4,5 km, cho thấy mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đang ngày một leo thang và Seoul cần một chính sách toàn diện hơn để giải quyết bài toán này.
“Hệ thống pháo tầm xa, giàn phóng tên lửa đa nòng và tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà Hàn Quốc đang phải đối mặt bởi chúng có thể gây tổn thất lớn ngay trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột dù quân đội Hàn Quốc có thể giành chiến thắng cuối cùng”, chuyên gia an ninh Park Won-gon tại Đại học Toàn cầu Handong nói.
Theo Sách trắng quốc phòng năm 2014 của Hàn Quốc, Triều Tiên hiện sở hữu 14.100 vũ khí gồm 5.500 giàn phóng tên lửa đa nòng, được triển khai phần lớn ở gần vùng biên giới vũ trang dày đặc. Trái lại, Seoul chỉ có 5.800 vũ khí bao gồm 200 giàn phóng tên lửa đa nòng. Đây là lý do tại sao lực lượng pháo binh của Triều Tiên vẫn được xem là “mối đe dọa bất đối xứng” đối với Hàn Quốc.
Các tổ hợp pháo binh tầm xa của Triều Tiên sử dụng pháo tự hành cỡ 170 mm còn các giàn phóng tên lửa đa nòng dùng nòng cỡ 240 mm, với tầm bắn lên tới 65 km, đủ sức để tấn công các mục tiêu quân sự tại Seoul và những khu vực xung quanh.
Ngoài ra, Triều Tiên còn đang phát triển các giàn phóng tên lửa đa nòng tầm xa nòng cỡ 300 mm trang bị hệ thống định vị GPS. Hệ thống tên lửa này có thể tấn công các căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ tại Pyeongtaek và Osan thuộc tỉnh Gyeonggi cũng như trụ sở Lục quân, Không quân, Hải quân Hàn Quốc tại tổ hợp quân sự Gyeryongdae ở tỉnh Nam Chungcheong.
Với mục tiêu thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ, Hàn Quốc đang cho nâng cấp hệ thống phòng thủ chống lại các cuộc tấn công từ lực lượng pháo binh của Triều Tiên. Song, khả năng đối phó của Seoul vẫn còn bị hạn chế do Bình Nhưỡng sở hữu một lực lượng pháo binh “khủng”.
Bên cạnh đó, khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng của Seoul cũng tập trung vào xây dựng phương án đối phó với các tên lửa và kho hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng cách đặt mua hệ thống pháo C-RAM.
Giới chuyên gia quân sự nhận định do không đủ khả năng phản công trước các cuộc tấn công bằng tên lửa cỡ lớn, Hàn Quốc cần tăng cường năng lực kiểm soát hoạt động di chuyển của lực lượng pháo binh Triều Tiên nhờ những thiết bị trinh sát và do thám hiện đại.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Korea Herald là nhật báo tiếng Anh được thành lập vào năm 1953 và được xuất bản tại Seoul, Hàn Quốc. Ban biên tập của tờ báo bao gồm các nhà văn và ký giả người Hàn Quốc và quốc tế. Ngoài ra, các tin tức của Korea Heral còn được các hãng thông tấn quốc tế đưa lại ví dụ như AP.