Hàn Quốc: Bình Nhưỡng có tên lửa hạt nhân vươn tới Mỹ
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố sách trắng quốc phòng, khẳng định Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ công nghệ đáng kể trong nỗ lực chế tạo đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đạn đạo.
Nguồn tin từ Seoul cho biết loại tên lửa này có thể vươn tới Mỹ và Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều đợt thử nghiệm tên lửa tầm xa, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ đưa loại tên lửa đó vào sử dụng.
“Khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên dường như đã đạt được những tiến bộ đáng kể”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết và nhấn mạnh rằng Triều Tiên có 40 kg plutonium cấp độ vũ khí nhờ tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và đang vận hành một chương trình làm giàu uranium cấp độ cao.
Đây không phải lần đầu Seoul đưa ra những tuyên bố như vậy và rất khó để xác nhận thông tin này bởi Triều Tiên là một nước đóng cửa và chỉ thỉnh thoảng mới khoe mẽ về khả năng tên lửa của mình. Hồi tháng 6 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một chương trình được gọi là tên lửa dẫn đường chính xác.
Tháng 5/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết Bình Nhưỡng đã đến ngưỡng cửa cuối cùng trong việc chuẩn bị tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn chưa có cuộc thử nghiệm nào, như vậy càng củng cố thêm luận điệu cho rằng Bình Nhưỡng muốn đối thủ bực mình trước những đe dọa úp mở.
Sau tuyên bố mới nhất của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Washington nên suy nghĩ cẩn thận về ý định tiếp tục chống đối Triều Tiên. Được biết trước đó, Mỹ đã cam kết sẽ bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp nước này bị tấn công từ phía bắc.
“Nếu Washington không đưa ra quyết định chính xác về vấn đề Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục đẩy mạnh khả năng chiến tranh. Nếu Mỹ ngừng chống đối và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ có cái nhìn tốt đẹp về quyết định đó”, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
Poster bộ phim "The Interview" của hãng phim Sony Pictures. |
Mối quan hệ Triều Tiên và Mỹ đã căng thẳng hơn nữa kể từ khi Washington áp đặt thêm các trừng phạt nhằm ngăn cản quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ sau vụ việc hãng phim Sony Pictures bị tin tặc tấn công cuối năm 2014. Chính quyền Obama đã cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ việc này.
Trong khi đó, Trung Quốc hối thúc Triều Tiên và Hàn Quốc cải thiện quan hệ thông qua các đàm phán để duy trì hòa bình và an ninh khu vực. “Với vai trò là một nước láng giềng của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc luôn ủng hộ việc đẩy mạnh cải thiện quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc thông qua đàm phán”, hãng tin TASS trích lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/1.
Tháng 10/2014, quan chức Triều Tiên đã tiến hành đàm phán với những người đồng cấp Hàn Quốc ở Incheon. Đây là lần đầu tiên diễn ra cuộc họp cấp cao như vậy kể từ sau năm 2007. Cả hai bên đã đồng ý nối lại các đàm phán cấp cao bị căng thẳng do các vấn đề về quân sự trên bán đảo này.
Trong bài phát biểu Năm Mới tuần trước, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - người đã vắng mặt trong cuộc họp ở Incheon hồi tháng 10 cho biết, họ không có lý do để từ chối tiến hành hội nghị cấp cao với nước láng giềng Hàn Quốc. Bài phát biểu này xuất hiện vài ngày sau khi Hàn Quốc có đề xuất tương tự về việc nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong Un cho biết: “Nếu chính quyền Hàn Quốc thực sự muốn cải thiện quan hệ Liên Triều thông qua đàm phán, chúng ta có thể nối lại các đàm phán cấp cao đã bị trì hoãn trước đó”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.