Hai vợ chồng đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện cùng mắc 1 bệnh ung thư
GS Khoa khám cho người bệnh. Ảnh minh họa. |
Cả nhà cùng bị ung thư tuyến giáp
Hai vợ chồng ông V.Q.V, 49 tuổi, vợ là Đ.T.L 47 tuổi quê huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cùng nhau xuống BV Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Khi đi khám họ nghĩ kiểm tra bình thương do quan tâm đến sức khỏe và hàng năm đều cùng nhau đi khám sức khỏe định kỳ. Khi khám cả hai vợ chồng bệnh nhân đều được phát hiện mắc ung thư tuyến giáp thể nhú bằng kết quả chọc hút tế bào tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm.
Sau khi phát hiện ung thư tuyến giáp, ông V. đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ ngày 15/7/2019, vợ ông phẫu thuật một ngày sau đó. Hai vợ chồng ông đang điều trị i ốt phóng xạ 131 tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ từng điều trị cho những bệnh nhân có người thân trong cùng gia đình mắc ung thư tuyến giáp. Trường hơp hai chị em sinh đôi Trần Ngọc C., Trần Ngọc V. 17 tuổi, ở Hà Nội cùng mắc ung thư tuyến giáp thể nhú này và vẫn đang điều trị.
Hay trường hợp của chị V.T. K 34 tuổi, quê ở Thái Bình. Gần đây thấy có dấu hiệu ho dai dẳng, khàn tiếng, nuốt nước bọt đau, chị K. đi khám. Bác sĩ siêu âm tuyến giáp phát hiện có u tuyến giáp và chỉ định sinh thiết. Kết quả sinh thiết cho thấy chị bị ung thư giáp.
Vẫn không tin mình bị ung thư, chị đã đi khám ở nhiều nơi đều chung một kết quả. May mắn là chị phát hiện sớm khi ung thư biểu mô nhú tuyến giáp nên cơ hội khỏi bệnh cao.
Theo chị K, trong gia đình nhà chị trước có bà ngoại, mẹ chị và giờ cả chị và em cùng mắc bệnh ung thư tuyến giáp.
Hiện nay, GS Khoa cho biết tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú ở Việt Nam đã tăng lên, trở thành 1 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất. Theo thống kê của GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam trong năm này có tới 5418 bệnh nhân ung thư tuyến giáp mới được phát hiện, tỷ lệ mắc được chuẩn hóa theo tuổi là 1.6/100.000 người ở nam và 7.8/100.000 người ở nữ.
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau: hay gặp là ung thư tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hóa là bệnh ung thư tiên lượng rất tốt.
Ai có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp?
Theo GS Khoa nguyên nhân ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó nhiễm phóng xạ được xem là nguyên nhân chính. Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.
Trẻ em rất nhạy cảm với các tia phóng xạ, do đó các bậc phụ huynh nên hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với các nguồn tia phóng xạ để bảo đảm sức khỏe cho trẻ và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,...) đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được gen nào dẫn tới sự di truyền này.
Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone. Đa số bệnh nhân mắc căn bệnh này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nam giới. Sự chênh lệch này là do yếu tố hormone đặc thù ở phụ nữ và quá trình mang thai đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp. Hoặc trong giai đoạn sau sinh, nhiều phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, điều này cũng là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể gây suy giáp tạm thời ở phụ nữ sau thời kỳ thai nghén.
Ngoài ra, những người mắc bệnh bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hoặc những người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, dù đã điều trị khỏi nhưng nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
Ngoài những nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp được kể trên, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, yếu tố khác cũng có nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp như: bị thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì,.. tính chất gia đình và di truyền.