Hai tháng trì hoãn điều trị vì dịch Covid-19, miệng người đàn ông biến dạng sùi loét, hoại tử
Phát hiện khối u vùng miệng đúng lúc dịch Covid- 19 bùng phát, không dám điều trị ngay nên chưa đầy 2 tháng sau mặt bệnh nhân đã biến dạng, sùi loét, hoại tử.
Bệnh nhân T với khối u ở miệng sùi loét, hoại tử khiến khuôn mặt biến dạng |
Ông Đ.V.T., 62 tuổi, ở Đông Anh (Hà Nội) phát hiện khối u đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến ông trì hoãn việc điều trị.
Chỉ trong chưa đến 2 tháng, khối u vùng miệng đã phát triển to lên nhanh chóng, sùi loét, hoại tử gây biến dạng gương mặt.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong tình trạng trên kèm khó thở nhẹ do u lan lên mũi, không nói được.
Qua thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán khẩu cái cứng có khối kích thước khoảng 8 x 10 cm, xâm lấn hốc mũi, xâm lấn lợi hàm, xương hàm trên, phát triển đè đẩy vào khoang miệng, hạch cổ hai bên kích thước khoảng 2 cm.
Giải phẫu bệnh, ông T. được xác định mắc ung thư biểu mô vảy.
BS. Trần Quang Kiên – đơn nguyên Xạ trị theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, sau khi xử trí tình trạng nhiễm trùng của khối u, bệnh nhân được tiến hành xạ trị triệu chứng, giảm đau, chống chảy máu với liều 3 Gy/ngày.
Sau 10 buổi xạ trị, bệnh đáp ứng tốt, khối u giảm kích thước 70%, tiên lượng rất khả quan. Bệnh nhân hiện có thể nói chuyện, ăn uống dễ dàng hơn, hết khó thở và sẽ tiếp tục được điều trị theo phác đồ đã đề ra của bệnh viện nhằm mục tiêu tăng thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghĩ lại khối u mình từng mang trên mặt, ông T. “vẫn ám ảnh vì nó to quá khiến ai nhìn tôi cũng phát sợ”. Sau đận này, người đàn ông cho biết phải chú ý “chăm lo sức khỏe và tuân thủ điều trị để chóng khỏi bệnh”.
Được biết, ông T. có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu lâu năm và từng có khối u vùng khoang miệng đã phải phẫu thuật vào năm 2020. Sau đó, bệnh nhân không tái khám theo hẹn của bác sĩ.
Ung thư khẩu cái cứng là loại ung thư không thường gặp, chiếm 1,3% ung thư hốc miệng, chủ yếu ở nam giới trên 60 tuổi.
Theo các bác sĩ, hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư khẩu cái cứng. Nghiên cứu cho thấy, nó có thể là sự kết hợp của di truyền và các yếu tố môi trường.
Ngoài ra, một vài yếu tố được biết đến làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khẩu cái cứng như:
Nghiện thuốc lá là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với ung thư khẩu cái cứng. Việc sử dụng thuốc lá điếu, xì gà, về cơ bản làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khẩu cái cứng.
Rượu - uống quá nhiều rượu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ với sự khởi phát của bệnh ung thư tế bào vảy ở miệng. Hơn nữa, hút thuốc và uống rượu nhiều làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư này.
Trầu cau - hạt của cây cau thường được người dân Đông Nam Á nhai và được biết là có thể gây ung thư vòm họng cứng.
Ngoài ra việc vệ sinh răng miệng không thường xuyên; mắc vi rút u nhú (HPV); dinh dưỡng kém; yếu tố di truyền… cũng là những nguyên nhân mắc căn bệnh này.
BS. Trần Quang Kiên cho biết thêm, không giống với các ung thư vùng đầu cổ khác, bệnh nhân có thể tự nhận thấy được những bất thường. Triệu chứng phổ biến nhất là vết loét trên vòm miệng. Khi khối u phát triển, vết loét có thể chảy máu.
Một số triệu chứng khác của bệnh bao gồm: Hơi thở có mùi; răng bị lung lay hoặc đau quanh răng; tiếng nói bị thay đổi; khó khăn khi nuốt; khó cử động hàm; xuất hiện một khối u ở cổ
Trong vài trường hợp, dấu hiệu đầu tiên có thể là một khối u ở cổ. Điều này có nghĩa là khối u đã di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ. Tuy nhiên ung thư khẩu cái cứng thường được phát hiện là dạng nguyên phát trong khoang miêng.
Điều quan trọng là một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng trên nhưng không phải là ung thư khẩu cái cứng. Một số bệnh cũng có những triệu chứng tương tự.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo khi có bất kỳ nghi ngờ gì về các vấn đề trong khoang miệng, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu ung thư được chẩn đoán sớm, việc điều trị có cơ hội thành công cao hơn.
N. Huyền