Hai “ông tây” dựng trường cho trẻ vùng cao

Lũ trẻ bản Tà Ria 2 (xã Húc) và bản Tà Rụi (xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khoe với chúng tôi về ngôi trường to đẹp nằm ở lưng chừng núi.

Các em hớn hở giới thiệu: “Trường chúng em đấy. Mới toanh nhé. Hai ông tây đã xây tặng cô trò chúng em”. Sau một hồi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, “Ông tây” được nhắc đến ở đây là George Barczay và Judd Kinne – hai người lính từng tham chiến trên chiến trường Khe Sanh.

Chung ước nguyện


George Barczay hay pha trò. Mỗi lần cười, chiếc đầu hói và chòm râu trắng của ông lại rung rung rất ngộ. Còn Judd Kinne trông thanh mảnh hơn, ông trầm tư và thường có những cử chỉ ân cần. Hôm khánh thành hai ngôi trường, dân bản Tà Ria 2 và Tà Rụi đều tay bắt, mặt mừng đón hai vị khách phương xa. Dường như ngôn ngữ không còn là rào cản đối với họ. Điều ấy khiến George và Judd vô cùng xúc động. Trước khi đến mảnh đất này, hai cựu binh Mỹ đều trăn trở trước câu hỏi: “Liệu người dân Việt Nam có chào đón mình không?”. Hôm nay, cả Geogre và Judd mới hiểu sâu sắc rằng: “Người Việt Nam rất giàu lòng vị tha. Họ sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng đến tương lai tươi sáng hơn”. 

Hai “ông tây” dựng trường cho trẻ vùng cao - ảnh 1

Hai cựu binh Mỹ - George (cầm mũ) và Judd (đeo kính) chụp ảnh kỷ niệm với cô trò Trường Mẫu giáo thôn Tà Rụi


George Barczay và Judd Kinne đều bước ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam với một ký ức khó quên. Hơn 45 năm qua, George vẫn nhớ như in ngày mình đặt chân đến đất nước hình chữ S cùng vô vàn câu hỏi trong đầu. Bấy giờ, ông được giao nhiệm vụ phụ trách mảng thông tin liên lạc. Công việc khiến George Barczay mất ăn, mất ngủ vì dần hiểu tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Năm 1967, đơn vị của ông được điều động đến chiến trường Khe Sanh, tìm cách nắm giữ các cao điểm. Sau đó, George có mặt tại cao điểm 881-Nam. Cuộc chiến bước vào hồi ác liệt, ông bị kẹt ở một căn hầm suốt mấy tuần liền. Từng ngày trôi qua, George sống trong tình cảnh đói khát và hoang mang tột độ. George biết rằng, trong lúc mình ẩn nấp ở đây thì bom đạn đang rải thảm ngoài kia và biết bao người vô tội phải chết. Trở về từ chảo lửa Khe Sanh, ký ức ấy dai dẳng đeo bám George. Bất lực, ông dùng chất kích thích liên tục để trấn an tinh thần nhưng chẳng ăn thua.

Trong những tháng ngày hoang hoải tìm sự bình yên, George gặp Judd Kinne tại trường đại học. Trước đó, ngày giải ngũ, họ từng thoáng thấy nhau. Không ai hé răng nói câu nào, lúc ấy, tâm trí họ mãi cầu khấn sao cho mau trở về nhà. Bước ra từ cuộc chiến phi nghĩa, hầu hết người lính trong quân đội Mỹ đều rơi vào “cơn mê ngủ”. Judd Kinne kể, ông thực sự muốn chôn ký ức xưa xuống nấm mồ song không thể. Vì thế, mỗi khi ai đó nhắc đến hai từ “chiến tranh”, Judd lại nổi gai ốc và vội vã bỏ đi. “Tôi đã nếm trải quá đủ mùi vị đắng đót, tanh nồng của bom đạn. Tôi là lính thủy quân lục chiến. Tôi buộc phải cầm súng” – Judd nghẹn ngào nói. Sự đồng cảm đã giúp George và Judd trở nên thân thiết với nhau. Họ chung tâm nguyện trở lại chiến trường xưa và gieo một mầm cây hòa bình trên mảnh đất mình từng mang bom đạn đến. 

Hai “ông tây” dựng trường cho trẻ vùng cao - ảnh 2

George và Judd cắt băng khánh thành Trường Mẫu giáo thôn Tà Rụi


Từ đó, George Barczy và Judd Kinne lặng lẽ gom góp tiền để thực hiện ý tưởng của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, George làm công tác hậu cần trong quân đội. Judd trở thành một nhân viên ngành tài chính tại Singapore. Mỗi tháng, hai cựu binh lại trích một phần lương để góp vào ngân quỹ chung, gọi nôm na là “Quỹ hàn gắn vết thương chiến tranh ở Khe Sanh”. Thời điểm khó khăn nhất có lẽ là khi George và Judd lần lượt bước vào tuổi nghỉ hưu. Họ xoay xở bằng cách vận động sự ủng hộ của người thân và đồng đội cũ. Cứ thế, theo từng ngày, số tiền nhích dần lên.

Cuối năm 2013, sức khỏe của George Barczy giảm sút. Nhiều khi việc chống gậy đi lại cũng trở nên quá sức với ông. George nghĩ: “Phải làm điều gì đó trước khi quá muộn”. Ông điện thoại cho Judd và họ lên máy bay, trở lại chiến trường xưa.

Hai “ông tây” làm việc nghĩa

Đến giờ, người dân Tà Ria 2 và Tà Rụi vẫn nhớ như in hình ảnh hai “ông tây” tóc bạc, chống gậy đến thăm quê mình. Khi được hỏi về mong muốn chung, những người luống tuổi của bản dẫn George và Judd đến ngôi trường mẫu giáo lụp xụp như túp lều. Ánh mắt ngời sáng mong chờ, già bản Tà Ria 2 bảo: “Mình từng tham gia chiến tranh, cũng đã đổ máu trên chiến trường. Hòa bình rồi, chỉ mong con cháu được ăn học tử tế, đủ đầy hơn ông cha đi trước”. Thế là, sau cái bắt tay, kế hoạch xây dựng trường cho trẻ em đã được “đóng dấu”. George Barczy chia sẻ: “Thực ra, trước khi đến đây, chúng tôi đã được xem một đoạn phim ngắn nói về nỗi vất vả của giáo viên, học sinh vùng cao. Họ phải dạy và học trong những ngôi trường tạm bợ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Khi nghe ý kiến của dân bản, chúng tôi càng tin tưởng hơn vào sự lựa chọn của mình”. 

Hai “ông tây” dựng trường cho trẻ vùng cao - ảnh 3

George và Judd đứng trên cao điểm 881-Nam, nơi họ từng chinh chiến một thời


Hôm quay trở lại Việt Nam tham dự lễ khánh thành hai ngôi trường ở bản Tà Ria 2 và Tà Rụi, bước chân của George và Judd dường như nhanh nhẹn hơn. Suốt thời gian xây dựng trường, dẫu ở rất xa nhưng hai cựu binh này vẫn thường xuyên nghe ngóng thông tin. Họ hết sức vui sướng khi biết ngôi trường đã được đổ móng, xây tường, rồi sơn quét... Vợ ông George cho biết, chính sự háo hức ngoài sức tưởng tượng của chồng đã thúc giục bà cùng đồng hành sang Việt Nam để dự lễ khánh thành. Đối với bà, đây là một hành trình ý nghĩa. Được biết, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hai trường mẫu giáo ở bản Tà Ria 2 và Tà Rụi là 1 tỷ đồng. Trong đó, cựu binh George và Judd đóng góp 700 triệu, số tiền còn lại là vốn đối ứng của địa phương thông qua Liên hiệp Hội các tổ chức hữu nghị tỉnh.

Sau bao ngày chờ mong, thời khắc cắt băng khánh thành đã điểm. Cánh cửa trường mở ra, George Barczay và Judd Kinne như “đứng hình” khi thấy lũ trẻ ùa vào phòng, sờ tay lên bờ tường láng lẩy, rồi hít hà mùi sơn mới. Các cô giáo trong trang phục áo dài truyền thống cũng nghẹn ngào xúc động. Cô Nguyễn Thị Niên, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hướng Lộc, giãi bày: “Đúng là giấc mơ có thật của cô trò chúng tôi. Bao năm qua, chúng tôi chỉ mong có một ngôi trường khang trang để không còn âu lo mỗi lúc mưa gió. Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn dành cho Geogre và Judd”. Trong bầu không khí thân tình, George Barczay trầm ngâm chia sẻ với mọi người: “Ước gì chúng tôi có thể góp tay xây dựng nhiều ngôi trường hơn nữa trên mảnh đất Quảng Trị. Ước gì niềm vui được nhân lên”.

Kết thúc buổi lễ, George và Judd bày tỏ mong muốn được lên thăm cao điểm 881-Nam. Nghe thế, một số người ngăn cản bởi lo sức khỏe của hai ông không cho phép nhưng Judd bảo: “Ngoài xây trường thì đây là nguyện vọng mà chúng tôi ấp ủ suốt hơn 45 năm nay. Hãy giúp chúng tôi”. Thế rồi, không ai bảo ai, nhiều người quyết định đồng hành với hai cựu binh tốt bụng. Suốt gần 3 tiếng đồng hồ, mỗi khi đôi chân như muốn khuỵu xuống, George và Judd lại chống gậy đi. Họ nắm tay, động viên nhau nhích từng bước…Đứng trên cao điểm 881-Nam, đại ngàn như trải rộng trước mắt khách bộ hành. Thấp thoáng giữa đại ngàn xanh ngát là những nếp nhà sàn tỏa khói lam chiều. Khung cảnh ấy khiến George và Judd cảm thấy tâm hồn khoáng đạt, bình yên đến lạ. Về nước, họ sẽ vẽ lại khung cảnh yên bình ấy trong những bức họa, bài thơ và trái tim con cháu.

Trương Quang Hiệp/Báo Quảng Trị

Truyền thông Hồng Kông hết lời ca ngợi Sa Pa

Sa Pa (Lào Cai) với vẻ đẹp hoang sơ và văn hóa đa dạng, từ lâu là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Mới đây, nhật báo South China Morning Post (SCMP - Hồng Kông, Trung Quốc) dành nhiều lời “có cánh” cho mảnh đất Tây Bắc này.

Hẻm khu Cây Da Sà: Dân một thời không dám khai địa chỉ, cố thoát ‘ả phù dung’

Một thời, sống ở nơi được mệnh danh là "thủ phủ ma túy" ở TPHCM, người dân lương thiện ra ngoài không dám khai địa chỉ, cố mưu sinh để thoát khỏi những cám dỗ từ "ả phù dung".

Bánh tôm hồ Tây - Món ăn nức tiếng của Hà Nội 'gây thương nhớ' cho du khách quốc tế

Đến với Thủ đô Hà Nội, du khách nước ngoài không chỉ thích thú với các địa điểm du lịch nổi tiếng, mà còn nhớ mãi món ăn, đặc sản nức tiếng bất cứ ai cũng đã từng thưởng thức, đó chính là bánh tôm hồ Tây.

Sự kiện ‘FWD Box Sống đầy’ thu hút đông đảo người dân TP.HCM

Trong 2 ngày 12 và 13/10, sự kiện “FWD Box Sống đầy” do Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Bưu điện TP.HCM, với nhiều hoạt động tương tác hấp dẫn.

Tiến sĩ Tân Nhàn trẻ đẹp tuổi 42, vợ chồng Lã Thanh Huyền tình tứ

Tiến sĩ, ca sĩ Tân Nhàn trẻ đẹp tuổi 42. Vợ chồng diễn viên Lã Thanh Huyền tình tứ trời Tây.

Một thời ở hẻm 'Năm Cam', trai khó lấy được vợ nơi khác, gái không thể gả đi xa

Một thời, sống trong con hẻm là nơi ở của trùm giang hồ Năm Cam, người dân lương thiện gặp nhiều phiền toái, khó khăn. Họ bị hiểu lầm, kỳ thị. Nhưng nay, mọi thứ đã đổi thay.

Điểm hẹn du lịch miền Bắc Việt Nam những ngày đẹp nhất năm

Miền Bắc đang bước vào mùa đẹp nhất năm với những trải nghiệm du lịch lôi cuốn. Nếu bạn đang tìm một kỳ nghỉ thu đông thú vị, hãy cân nhắc Hạ Long và Sa Pa, 2 điểm đến lọt top thịnh hành nhất thế giới năm 2024 do TripAdvisor bình chọn.

Thức uống từ mãng cầu được giới trẻ yêu thích

Quả mãng cầu, hay còn gọi là quả na hoặc mãng cầu xiêm, vốn là loại quả nổi tiếng với giới trẻ bởi những món uống cực hot như trà mãng cầu, sinh tố mãng cầu... Đây còn là loại quả chứa nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ hàm lượng dinh dưỡng phong phú.

Diễn viên Thanh Hương sau đổ vỡ: Tôi không thiếu những người đàn ông theo đuổi

Diễn viên Thanh Hương cho biết muốn kín tiếng trong chuyện riêng tư và hiện chưa nghĩ tới việc kết hôn dù không thiếu người theo đuổi.

Cảnh lạ ở hẻm ‘nhà thùng’ TPHCM: Trăm năm ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược

Hẻm "nhà thùng", có từ thời Pháp thuộc như ngăn đôi 2 cảnh đời trái ngược với một bên là dãy nhà cao cửa rộng trong khi phía đối diện là những căn nhà bé tí, lụp xụp rộng chưa đầy 10m2.

Đang cập nhật dữ liệu !