Hai người “dũng cảm” với quy hoạch Sơn Trà!
1/ Có thể thấy ngay người đầu tiên xứng đáng được ghi nhận “dũng cảm” trong việc bảo vệ Sơn Trà trước những nguy cơ đến từ “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
![]() |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao tổ chức ở Đà Nẵng tháng 9/2016 và ông Huỳnh Tấn Vinh ở Sơn Trà |
Ông Huỳnh Tấn Vinh là người đầu tiên phát hiện và lên tiếng về bản quy hoạch này bằng bức “tâm thư” mang số 21-3/CTHHDLĐN ngày 21/3/2017 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quy hoạch vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành theo Quyết định số 2163/QĐ-TTP ngày 9/11/2016.
Bức “tâm thư” lập tức nhận được phản hồi của Thủ tướng Chính phủ bằng ý kiến chỉ đạo Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo quy định; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Cho đến nay, bức “tâm thư” đã nhận được gần 11.000 chữ ký ủng hộ, từ đó làm dấy lên làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững cho Sơn Trà. Bức “tâm thư” cũng cuốn hút rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giới quy hoạch, kiến trúc, văn nghệ sĩ, báo giới nhập cuộc.
Điển hình là ngày 28/4, hội thảo “Giải pháp Bảo tồn và Phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà” đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature – thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet – thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT TP Đà Nẵng) và Nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN-EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Và ngày 10/5/2017, những người đứng đầu 3 tổ chức này đã đồng ký “Thư khuyến nghị về giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”, gửi Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Mới đây, ngày 11/5, ông Huỳnh Tấn Vinh tiếp tục cùng Thường trực Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng “đối mặt” với đoàn công tác Tổng cục Du lịch trong buổi làm việc căng thẳng để giải quyết những kiến nghị mà bức “tâm thư” 21-3/CTHHDLĐN nêu ra. Rất mạnh mẽ, ông cùng các đồng sự từ chối ký biên bản làm việc bởi thái độ kẻ cả, phát biểu vừa thiếu trách nhiệm, vừa lạm quyền từ đoàn công tác Tổng cục Du lịch, bởi đôi bên không tìm được tiếng nói chung và bởi những ý kiến của các thành viên Thường trực Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tại buổi làm việc đã không được người ghi biên bản của Tổng cục Du lịch ghi nhận một cách trung thực.
Và chính từ buổi làm việc “gây bão” ấy mà ngay hôm sau, ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL và UBND TP Đà Nẵng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu "khẩn trương xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị đối với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng; kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5".
Vì sao với những việc làm đó, ông Huỳnh Tấn Vinh là một người “dũng cảm”? Bởi, dù là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì nhiệm vụ sát sườn nhất, gắn với “cần câu cơm” của ông vẫn là công việc của một Tổng Giám đốc Furama Resort. Cũng có nghĩa, ở Furama Resort thì ông, suy cho cùng, cũng chỉ là một người “làm thuê”. Đã “làm thuê” thì nhiệm vụ hàng đầu là phải đảm bảo lợi ích cho “ông chủ”. Nhưng những việc ông làm trong cương vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lại có nguy cơ gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ “làm thuê” của ông.
Đơn cử, sau khi viết bức “tâm thư” 21-3/CTHHDLĐN gửi Thủ tướng Chính phủ, ông đã bị Sở Du lịch mời lên "kiểm điểm"cả buổi. Và ông cũng đã từ chối ký biên bản vì cuộc làm việc diễn ra không đúng với nội dung giấy mời. Ai dám chắc sự hạch sách, gây khó dễ tương tự sẽ không tiếp tục xảy ra? Kể cả không bị hạch sách, gây khó dễ thì ông vẫn có thể bị những cái nhìn mặc cảm từ cơ quan quản lý nhà nước. Mà như thế là không thuận lợi đối với hoạt động của Furama Resort, vì ông là Tổng Giám đốc!
Nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh đã gác những mối lo đó sang bên để dấn thân vào công cuộc bảo vệ màu xanh cho Sơn Trà. Nhưng để ông Huỳnh Tấn Vinh có thể làm cái chuyện “bao đồng” như vậy, không thể không kể đến những “ông chủ” Furama Resort. Họ không bật đèn xanh thì ông Huỳnh Tấn Vinh khó lòng làm được cuộc dấn thân đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng. Thế nên, cũng phải thấy những “ông chủ” đứng đằng sau Furama Resort cũng là những người rất dũng cảm!
2/ Ngày 24/09/2016, tôi viết bài “PTT Vũ Đức Đam: “Tôi thử đứng ở cửa sổ nhìn ra sông Hàn để quên hết đi mọi thứ!", thuật lại phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên khai mạc Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao do Bộ VH-TT-DL, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng.
Trong lời cuối của bài phát biểu hoàn toàn nói “vo” này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn gửi các đại biểu tham dự hội nghị, nhất là các “bạn đồng nghiệp của ông” đang có mặt tại hội nghị rằng: “Hãy quên công việc của mình đi, và chúng ta hãy thử làm như mình đang đi du lịch ở Đà Nẵng!”. Rồi ông chia sẻ: “Sáng nay, tôi thử đứng ở cửa sổ khách sạn nhìn ra sông Hàn, để quên hết đi mọi thứ. Và tôi thấy buổi sáng thật là đẹp, thấy cuộc đời thật là đẹp!”.
Với phát biểu này, có thể thấy Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất có cảm tình nếu không muốn nói là rất yêu Đà Nẵng. Bởi vậy, cũng có thể cảm nhận được trong những ngày qua ông không khỏi phiền lòng với việc Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà mà ông vừa ký ban hành bị nhiều phản ứng từ dư luận. Đây cũng là tâm lý bình thường với bất kỳ ai làm công tác quản lý, khi thấy quyết định mang chữ ký của mình gặp phải những phản ứng không thuận lợi. Huống chi, như đã nói, ông là người có cảm tình với Đà Nẵng, nơi có bán đảo Sơn Trà vừa được ông ký ban hành phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia.
Chắc chắn, những mục đích khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định 2163/QĐ-TTP là rất tốt đẹp cho du lịch Sơn Trà, du lịch Đà Nẵng nói riêng, du lịch quốc gia nói chung. Vì thế, có lẽ ông cũng khá bất ngờ trước việc Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà gặp nhiều dư luận không thuận đến vậy. Ông phải tin vào cấp dưới đã tham mưu cho ông ký quyết định đó. Tuy nhiên, chắc chắn trong những ngày qua, ông đã quan sát, đã lắng nghe dư luận rất kỹ.
Cho nên, ngay sau khi Tổng cục Du lịch vào làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chiều 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với UBND TP Đà Nẵng “khẩn trương xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị đối với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng; kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5”.
Bởi qua những thông tin phản hồi từ buổi làm việc chiều 11/5, nhất là qua những phát ngôn làm "dậy sóng" của đoàn công tác của Tổng cục Du lịch, như: “Quy hoạch của chúng tôi là đúng quy trình, các anh có nói gì thì cũng không điều chỉnh!”; “Chúng tôi không cần thấy Voọc chà vá chân nâu nhưng bản quy hoạch của chúng tôi vẫn tốt!”… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hẳn đã nhận thấy “Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà” đã được thực hiện không đến nơi đến chốn, nếu không muốn nói là đã được thực hiện một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm, nên từ đó mà gây nên những phản ứng trong dư luận xã hội.
Theo tôi, không dễ chút nào để Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu “khẩn trương xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị đối với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà”. Bởi như trên đã nói, quyết định ban hành quy hoạch này mới được ông ký có nửa năm và nay ông đã yêu cầu “xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị đối với kiến nghị điều chỉnh”.
Nhưng cũng từ đó mà có thể thấy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hết sức trách nhiệm, hết sức lắng nghe tiếng nói của người dân, của công luận để yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan xem xét một cách hết sức khoa học và cầu thị đối với những kiến nghị thậm chí đi ngược với quyết định của chính mình. Hẳn là ông vì cái chung, vì màu xanh của Sơn Trà, vì môi trường sống của cộng đồng cư dân vùng Bắc sông Thu Bồn nói riêng, và vì sự phát triển bền vững của du lịch quốc gia nói chung hơn bất cứ điều gì khác.
Theo tôi, đối với các chính khách thì đó là cả một sự dũng cảm.
Và đó không chỉ là sự dũng cảm mang tính cá nhân của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mà là thái độ ứng xử đến từ tinh thần “Chính phủ kiến tạo” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh.
Tất nhiên chưa thể vội kết luận việc “xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị đối với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà” sẽ dẫn đến điều chỉnh hay hủy bỏ quy hoạch này. Nhưng có thể tin với sự lắng nghe, dũng cảm của Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chính là hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho Sơn Trà thay vì bị bê tông hóa!