Hải Dương sẽ giảm khoảng 600 cán bộ, công chức sau sắp xếp các ĐVHC cấp xã
![]() |
Ảnh minh họa |
Thông tin này được Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương khẳng định tại hội nghị thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tổ chức vào ngày 21/9 tại Bộ Nội vụ.
Báo cáo về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Hùng cho biết, số lượng ĐVHC cấp huyện của tỉnh là 12 đơn vị (10 huyện và 02 thành phố). Trong giai đoạn 2019 – 2021, trên địa bàn tỉnh Hải Dương không có ĐVHC cấp huyện phải sắp xếp, do không có đơn vị nào đạt dưới 50% cả 02 tiêu chuẩn.
Số lượng ĐVHC cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh là 264 đơn vị (220 xã; 31 phường và13 thị trấn). Trong đó, số lượng ĐVHC cấp xã đạt cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 16 đơn vị (16 phường); số lượng ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều chưa đạt 50% theo quy định là 27 đơn vị (26 xã, 01 thị trấn). Trong đó xã Kênh Giang (thị xã Chí Linh, nay là thành phố Chí Linh) đã thực hiện sắp xếp.
Theo Đề án, tỉnh Hải Dương sẽ thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã tại 11 huyện, thành phố. Trong đó, huyện Bình Giang thực hiện sắp xếp 03 xã, 01 thị trấn thành 01 xã, 01 thị trấn. Sau khi sắp xếp còn 16 ĐVHC trực thuộc, gồm 15 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 02 đơn vị.
Huyện Cẩm Giàng thực hiện sắp xếp 03 xã, 01 thị trấn thành 01 xã, 01 thị trấn. Sau khi sắp xếp còn 17 ĐVHC trực thuộc, gồm 15 xã và 02 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 02 đơn vị.
Huyện Kim Thành thực hiện sắp xếp 06 xã thành 03 xã. Sau khi sắp xếp còn 18 ĐVHC trực thuộc, gồm 17 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 03 đơn vị.
Huyện Ninh Giang thực hiện sắp xếp 14 xã thành 06 xã. Sau khi sắp xếp còn 20 ĐVHC trực thuộc, gồm 19 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 08 đơn vị.
Huyện Thanh Miện thực hiện sắp xếp 03 xã, 01 thị trấn thành 01 xã, 01 thị trấn. Sau khi sắp xếp còn 17 ĐVHC trực thuộc, gồm 16 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 02 đơn vị.
Thành phố Hải Dương thực hiện sắp xếp nhập 02 xã An Châu và xã Thượng Đạt thành xã An Thượng. Sau khi sắp xếp còn 20 ĐVHC trực thuộc, gồm 17 phường và 03 xã, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 01 đơn vị.
Huyện Thanh Hà thực hiện sắp xếp 05 xã thành 02 xã. Sau khi sắp xếp còn 22 ĐVHC trực thuộc, gồm 21 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 03 đơn vị.
Huyện Tứ Kỳ thực hiện sắp xếp 05 xã thành 02 xã. Sau khi sắp xếp còn 24 ĐVHC trực thuộc, gồm 23 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 03 đơn vị.
Huyện Gia Lộc thực hiện sắp xếp 04 xã, 01 thị trấn thành 01 xã, 01 thị trấn. Sau khi sắp xếp còn 20 ĐVHC trực thuộc, gồm 19 xã và 01 thị trấn, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 03 đơn vị.
Huyện Kinh Môn thực hiện sắp xếp 04 xã (theo dạng khuyến khích) thành 01 xã, 01 phường. Sau khi sắp xếp còn 23 ĐVHC trực thuộc, gồm 14 phường và 09 xã, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 02 đơn vị.
Thành phố Chí Linh thực hiện sắp xếp 02 xã thành 01 phường. Sau khi sắp xếp còn 19 ĐVHC trực thuộc, gồm 14 phường và 04 xã, số lượng ĐVHC trực thuộc giảm do sắp xếp là 01 đơn vị.
Như vậy, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện việc sắp xếp trên toàn tỉnh là 55 đơn vị, gồm: 27 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp; 22 đơn vị có liên quan liền kề; 06 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp. Trong đó có 15 đơn vị thực hiện nhập 03 đơn vị thành 01 ĐVHC mới, 40 đơn vị thực hiện nhập 02 đơn vị thành 01 ĐVHC mới, giảm 30 ĐVHC cấp xã (trong đó xã Kênh Giang, thành phố Chí Linh đã thực hiện xong).
Nhân sự bộ máy mới đảm bảo tiêu chuẩn và kinh nghiệm
Đối với việc thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các ĐVHC mới, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Hùng cho biết, nhân sự bố trí ở mỗi chức danh cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thuộc ĐVHC mới phải đảm bao đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; quan tâm đến cán bộ có nhiều kinh nghiệm, có quá trình cống hiến, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ được đào tạo cơ bản có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức ở ĐVHC mới phải gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhân sự các chức danh Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND của cấp xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng khuyến khích các địa phương bố trí, sắp xếp thực hiện đúng số lượng cấp phó và số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thẹo đúng quy định hiện hành của Trung ươmg và của tỉnh quy định đối với từng loại ĐVHC cấp xã. Trường hợp không thể bố trí, sắp xếp được thì mới thực hiện số lượng cấp phó và số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo Hướng dẫn của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương khẳng định, ngay khi có chủ trương của Trung ương, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Hải Dương đã có chỉ đạo quyết liệt, đã chủ động sáp nhập xã Kênh Giang và Văn Đức (thành phố Chí Linh); có 06 xã chủ động đề xuất sáp nhập. Toàn tỉnh sẽ giảm 30 xã, trung bình mỗi xã giảm từ 21 đến 23 cán bộ, công chức, như vậy sẽ giảm khoảng 600 cán bộ, công chức; giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong tỉnh.
![]() |
Theo Đề án, tỉnh Hải Dương sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ mở rộng 5 xã thuộc 3 huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ về thành phố Hải Dương. (Ảnh: Một góc TP Hải Dương) |
Mở rộng 5 xã về TP Hải Dương
Về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương, tỉnh sẽ tiến hành nhập 02 xã; điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã và thành lập 02 phường thuộc thành phố Hải Dương, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết, tỉnh Hải Dương sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định việc mở rộng 05 xã thuộc 03 huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ về thành phố Hải Dương là đòi hỏi thực tiễn khách quan phù hợp với chương trình phát triển đô thị trong toàn tỉnh.
Đồng thời, thành phố Hải Dương đã nghiên cứu điều chỉnh địa giới hành chính của 17 phường, xã với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, quản lý hộ khẩu, bảo đảm an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã An Châu và xã Thượng Đạt để thành lập một ĐVHC cấp xã mới lấy tên là xã An Thượng. Việc nhập 02 xã An Châu, Thượng Đạt nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt hơn.
Cùng với đó, thành lập 02 phường Tân Hưng và Nam Đồng trên cơ sở 02 xã Tân Hưng và Nam Đồng nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đã được phê duyệt.
Sau khi sắp sếp ĐVHC cấp xã, các ĐVHC trực thuộc của các huyện, thành phố đều đảm bảo theo quy định. Đối với các huyện, thành phố không đảm bảo 100% cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, UBND tỉnh sẽ xem xét, sắp xếp ĐVHC cấp huyện vào giai đoạn 2022- 2030 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018.