Hacker Trung Quốc được dạy 'tấn công Mỹ mới là yêu nước'?
Wan Tao không phải là nhân viên của chính phủ, hay ít nhất không chính thức làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Ở trên mạng, anh này nổi tiếng với biệt danh “Eagle” và dẫn đầu nhóm khoảng 400 tin tặc (hacker) được gọi là Liên minh Đại bàng Trung Quốc ( China Eagle Union). Nhóm này đã phát động các cuộc tấn công mạng tới bất kỳ tổ chức nào mà họ tin là kẻ thù của Trung Quốc.
Wan Tao - tin tặc lâu năm của Trung Quốc - từng sử dụng tài năng của mình để tấn công nước ngoài, những nước mà anh ta cho là "kẻ thù". |
Mặc dù có một mối liên hệ chưa được xác nhận giữa liên minh này và chính phủ Trung Quốc, Wan vẫn khẳng định những gì anh ta đã làm là tự nguyện và độc lập, vì dân tộc của mình và vì mong muốn được thể hiện bản thân. “Mỗi người ở mỗi quốc gia đều có một giấc mơ”, Wan nói, “Đó là giấc mơ được độc lập, có quyền được thể hiện sự tự do và cho người khác thấy giọng nói của chúng tôi”.
Hãng tin CBS News (Mỹ) cho biết, sau khi thực hiện công việc giám sát các phòng chat internet theo chương trình kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc, Wan bắt đầu thành lập nhóm Liên minh Đại bàng Trung Quốc ở tuổi 28. Anh ta cho biết, ở Trung Quốc – nơi mà chính phủ hạn chế tự do ngôn luận và thể hiện, tấn công mạng đem lại cho anh ta cảm giác được tự chủ.
“Việc tấn công mạng có thể tạo ra cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người nội tâm, một cảm giác mà họ không thể có được trong cuộc sống hàng ngày. Đó là cảm giác thành công, thách thức uy quyền và là người có quyền lực. Những người trẻ cho đó là cảm giác tự do”, Wan giải thích.
Sau khi học đại học, Wan cho biết anh ta ngày càng trở nên vỡ mộng với Trung Quốc. "Những người trẻ tuổi có khả năng phân biệt sự thật, và người ta thích nhìn thấy ai đó nói lên sự thật và thách thức những người cầm quyền".
Không thể lên tiếng chống lại chính quyền Trung Quốc, Wan cho biết anh ta chuyển sự tức giận và cảm xúc sang “các thế lực bên ngoài”, và sử dụng các vụ tấn công mạng như vũ khí riêng của mình đối với các nước mà anh ta cảm thấy là kẻ thù của mình. Anh ta và nhóm của mình đã tạo ra các loại virus, tấn công các trang web của Chính phủ Mỹ và thâm nhập vào các tài khoản email của các chính trị gia Nhật Bản. Anh ta tuyên bố các cuộc tấn công của nhóm đã thu hút sự chú ý của các cơ quan tình báo phương Tây.
Wan Tao đã xây dựng danh tiếng của mình như là một trong những hacker giỏi nhất của Trung Quốc, là người đứng đầu Liên minh Đại bàng Trung Quốc những năm 2000 – 2005. Trong những tháng gần đây, tin tặc Trung Quốc đã bị cáo buộc tấn công các mục tiêu của Mỹ, bao gồm các tập đoàn, các nhà máy điện, các tổ chức phi chính phủ và các nhà thầu quân sự của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc từ chối sự tham gia chính thức trong bất kỳ của các vụ tấn công nào từng diễn ra.
"Lính mạng" của Trung Quốc |
Wan tin rằng nhiều tin tặc Trung Quốc ngày nay đã có nhiều năm phải sống trong một hệ thống giáo dục đã miêu tả nước này như là một nạn nhân cuae sự xâm lược đến từ cường quốc Nhật Bản và phương Tây, giống như anh ta trước đây từng trải qua. Tư tưởng nhồi sọ mạnh mẽ đó đã thúc đẩy lòng yêu nước trong lòng những con người như Wan, khiến họ làm các việc kể trên như là một người tự do và độc lập hoàn toàn với chính phủ.
Wan cũng nói rằng sự giận dữ tập trung vào các quốc gia khác là cách duy nhất an toàn để bày tỏ sự bất hạnh ở Trung Quốc. “Tôi là một thanh niên trẻ giận dữ, và tôi muốn làm điều gì đó để hạ nhiệt và thể hiện giá trị của một người trẻ, có tiếng nói độc lập”, anh ta giải thích, “Nhiều thanh niên ở Trung Quốc ngày nay đang bi quan về tương lai của họ, vì thế họ chuyển sang cuộc sống ảo – thế giới trực tuyến – để tìm kiếm hạnh phúc. Đó là nơi mà họ có thể bày tỏ ước muốn tự do của mình”.
Wan đã giải tán Liên minh Đại bàng Trung Quốc trong năm 2006, giờ đây, anh ta muốn trở thành một người có ích hơn thời trai trẻ của mình. Anh ta đang điều hành một công ty bảo mật, chuyên tư vấn cho các công ty Trung Quốc về việc làm thế nào để bảo vệ chống lại cuộc tấn công mạng.
Anh ta cho biết những gì đã từng làm là hành động nổi loạn của tuổi trẻ, chính nó cũng trở thành đòn bẩy cho các công việc hợp pháp sau này, một con đường nghề nghiệp hấp dẫn tại Trung Quốc. Nhiều nhân viên cũ của Wan ở liên minh đã trở thành “lính mạng” – từ mà Wan Tao đã sử dụng, họ đã làm việc cho chính phủ hoặc tham gia vào các hoạt động gián điệp của các công ty công nghệ.