Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn ông Trump rút khỏi NATO
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn ông Trump rút khỏi NATO |
Với 357 phiếu thuận và 22 phiếu chống, các nghị sĩ Hạ Viện đã thông qua dự luật.
Quốc hội không thể chính thức ngăn Tổng thống Trump rút khỏi khối Liên minh quân sự, nhưng có thể phong tỏa tài chính cho mục đích này. Chiến thuật tương tự đã được Quốc hội sử dụng để ngăn chặn cựu Tổng thống Barack Obama đóng cửa nhà tù quân sự Guantanamo.
Ngoài ra, dự luật của Hạ viện kêu gọi các thành viên NATO dành 2% GDP đã hứa cho quốc phòng, điều mà ông Trump nhiều lần cũng nói. Dự luật cũng chấp thuận tài trợ thêm cho cái gọi là Sáng kiến châu Âu nhằm ngăn chặn chống lại Nga.
Việc thông qua dự luật cho thấy sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ đối với NATO. “Dự luật thể hiện rõ ràng Quốc hội Mỹ vẫn tin tưởng vào sứ mệnh của NATO và sẽ ngăn chặn bất kỳ những nỗ lực thiển cận nào nhằm làm suy yếu NATO hay đơn phương rút nước Mỹ khỏi tổ chức này”, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steny Hoyer nói.
Dự luật này cũng được đưa lên Thượng viện Hoa Kỳ xem xét. Để trở thành luật, dự luật phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua và được Tổng thống ký. Tổng thống Trump có thể phủ quyết dự luật của Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Trước đó, ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington cam kết đầy đủ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song tái khẳng định lập trường rằng các thành viên trong tổ chức phải chi thêm cho vấn đề an ninh của mỗi nước.
Trong bài phát biểu tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ sẽ ủng hộ NATO 100%, song các thành viên của khối phải đóng góp thêm cho lĩnh vực quốc phòng. Tuyên bố của ông được đưa ra sau khi báo New York Times đưa tin rằng năm ngoái, nhà lãnh đạo Mỹ đã thảo luận với các quan chức cấp cao về việc Washington rút khỏi liên minh an ninh quan trọng của phương Tây này.
Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích các nước thành viên NATO không chi tiêu đủ cho lĩnh vực quốc phòng. Ông cũng khẳng định Mỹ đang chi tiêu nhiều cho NATO hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đây là điều không công bằng và cũng không thể chấp nhận được. Theo NATO, chỉ có 5 trong số 29 nước thành viên NATO, gồm Estonia, Hy Lạp, Latvia, Anh và Mỹ, hiện đang đáp ứng cam kết dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.