Hà Tĩnh: Tự ý xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch
Nhà xưởng có kết cấu khung sườn bằng sắt hộp có chiều dài khoảng 18m rộng 8m cao 4,5m xây dựng trái phép tại khu vực nhà thờ thôn Đông Yên cũ. |
Vụ việc trên đã được chính quyền sở tại lập biên bản và yêu cầu tự tháo dỡ nhưng một số người dân đến nay vẫn chưa hợp tác và không tự tháo dỡ công trình xây dựng trong diện tích đất đã được đền bù.
Cụ thể, vào lúc 14h30 ngày 31/5/2017, UBND xã Kỳ Lợi phát hiện công trình dựng trái phép với 4 vì nhà xưởng có kết cấu khung sườn bằng sắt hộp có chiều dài khoảng 18m rộng 8m cao 4,5m tại khu vực nhà thờ thôn Đông Yên cũ.
Đáng chú ý, khu vực mà một số người dân thôn Đông Yên dựng công trình trái phép nằm trên phần nền nhà dạy giáo lý cũ (thuộc khuôn viên nhà thờ) đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý bồi thường tại văn bản số 3452/UBND–GT với số tiền 70.000.000.000 tỉ đồng (bảy mươi tỉ đồng) để thực hiện di dời nhà thờ và các công trình thờ tự giáo xứ Đông Yên lên khu TĐC mới.
Đại diện cho Giáo xứ Đông Yên nhận số tiền trên đã xây dựng nhà thờ tạm và di dời nhà thờ tại thôn Đông Yên lên khu TĐC, và hứa bàn giao mặt bằng tại thôn Đông Yên cho chính quyền địa phương trước ngày 5/10/2013.
Sau vụ việc một số cá nhân xây dựng công trình trái phép đó, UBND xã Kỳ Lợi đã thành lập đoàn đến địa điểm có công trình vi phạm để làm việc với tổ chức, cá nhân là chủ xây dựng công trình vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu tự giác tháo dỡ.
Biên bản giao nhận tiền bồi thường, hỗ trợ di dời nhà thờ và công trình Giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi |
Tuy nhiên, quá trình làm việc với đại diện một số người dân thôn Đông Yên (cũ) không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra nhận là chủ của công trình vi phạm nói trên.
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết: Sau khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng UBND xã Kỳ Lợi và UBND thị xã Kỳ Anh đã đến hiện trường lập biên bản vụ việc.
Thế nhưng, một số người dân có hành động chống đối, ngăn cản lực lượng chức trách làm nhiệm vụ.
“Vụ việc càng phức tạp hơn khi người dân không những không chấp hành quy định của pháp luật mà tiếp tục lén lút xây dựng vào những thời điểm gần sáng gây khó khăn cho các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ.”
“Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng nếu các hộ dân tiếp tục không hợp tác thì bắt buộc chúng tôi phải tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm đó”, lời ông Vượng.
Trước đó, theo quy hoạch và lộ trình thực hiện các dự án trong KKT Vũng Áng, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi có 1.219 hộ, 5.038 nhân khẩu với nghề chính là đánh bắt hải sản và sản xuất nông nghiệp phải di dời toàn bộ đến địa điểm mới.
Đến nay gần như toàn bộ dân Kỳ Lợi đã nhận tiền lên khu TĐC, nhưng hiện vẫn còn 158 hộ chưa chịu di dời (trong đó có 75 hộ đã phê duyệt kinh phí nhưng chưa nhận tiền; 83 hộ phải cưỡng chế kiểm đếm chưa phê duyệt kinh phí; 15 ngôi mộ chưa nhận tiền, chưa cất bốc.
Về vấn đề này, lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho rằng, song song với việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân không xây dựng, cơi nới các công trình trên diện tích đất đã đươc thu hồi, chính quyền cũng lên phương án cưỡng chế đối với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm về việc xây dựng, cơi nới các công trình vi phạm.
“Vừa qua, do phải thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nên chính quyền địa phương đã không giám sát chặt chẽ việc người dân xây dựng, cơi nới các công trình. Sắp tới sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp xây dựng cơi nới nhà cửa, công trình trái phép, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp hộ gia đình cá nhân nào không chấp hành, sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ”, vị lãnh đạo này cho biết.
Được biết, hiện vụ việc đã được tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 110 ngày 31/5/2017 với hành vi được quy định tại điểm a, khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP là “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng”.