Hà Nội: Phạt hành chính cơ sở thẩm mỹ hút mỡ bụng nâng ngực khiến cô gái ngất xỉu
Bệnh nhân B đang được theo dõi tại Bệnh viện Thanh Nhàn (ảnh Báo Giao thông). |
Trưa 3/10, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội về vụ việc cho biết, liên ngành Quận đã phạt 17,5 triệu về vi phạm quảng cáo. Hiện tại phòng y tế quận tiếp tục mời chủ cơ sở thẩm mỹ làm việc và tiếp tục xử lý những sai phạm (nếu có).
Vụ việc xảy ra vào chiều 2/10, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận một nữ bệnh nhân 28 tuổi bị ngất xỉu, co giật sau khi hút mỡ để cấy nâng ngực tại một thẩm mỹ viện trên phố Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trả lời báo chí, nữ bệnh nhân cho biết, sau khi xem quảng cáo trên MXH, chị thấy TMV quảng cáo có nhiều hình ảnh đẹp, không đụng dao kéo nên đã quyết định làm. Tại đây, nhân viên tư vấn cho biết sẽ hút mỡ ở bụng, cánh tay, rồi từ đó lấy mỡ tự thân này cấy nâng vòng 1. Họ cũng cho biết, việc cấy mỡ tự thân rất lành, an toàn do vậy sau khi làm xong có thể về luôn. Chi phí cho một ca của bệnh nhân này là 22 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau gần 5 giờ đồng hồ (từ 13h đến 17h) thực hiện các thủ thuật hút mỡ, ly tâm lọc mỡ và tiêm mỡ tự thân vào hai ngực, nữ bệnh nhân thấy mệt dần và ngất xỉu. Sau hai lần ngất đi rồi tỉnh lại, nữ bệnh nhân vẫn được giữ lại tầng 5 của TMV để “hồi sức” và chỉ đến lần thứ 3 xuất hiện co giật và ngất xỉu, đồng thời không có “bác sĩ” tại đây, nhân viên trực tại TMV mới vội vàng đưa chị B. đi cấp cứu tại BV Thanh Nhàn. Khi ấy là 1h đêm.
Tại BV, bệnh nhân được nhận định dấu hiệu ngộ độc thuốc tê, rối loạn tuần hoàn não. Trưa 3/10, thông tin tới Infonet, Giám đốc BV Thanh Nhàn Đào Quang Minh cho biết, hiện tại sức khỏe bệnh nhân không đáng lo ngại, bệnh viện vẫn tiến hành theo dõi thêm.
Được biết, theo quy định, tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Infonet sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có kết quả buổi làm việc.