Hà Nội: Nơm nớp vì “hà bá” nuốt nhà
Hà Nội: Nơm nớp vì “hà bá” nuốt nhà
Hà Nội: Kinh hoàng nhà sụt lở ven sông Hồng
Theo ghi nhận của PV báo điện tử Infonet, khu vực dân cư thuộc cụm dân cư 10, 11, 12 phường Chương Dương, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trong vùng nguy hiểm, đặc biệt là xóm 82 và 83 là nơi xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất.
Anh Nguyễn Vĩnh Thụy, tổ phó tổ dân cư 82, cho biết, hiện đã có 6 hộ dân trong tổ làm cam kết với UBND phường di dời đến nơi an toàn, nhưng đến nay, mới chỉ có 3 hộ di dời, nhiều hộ dân khác trong khu vực nguy hiểm vẫn chấp nhận bám trụ tại nhà mình. Và để chống lại “thủy thần”, họ đã đóng cọc tre, chen bao cát xuống móng nhà, giằng chống tạm bợ dù nhiều chỗ tường và nền nhà đã nghiêng, còn cách mép nước sông 1-2 m.
Mực nước chỉ lên cao 1m nữa là "Hà bá" nuốt chửng nhà dân |
Theo anh Thụy,việc chống chọi với "Hà bá" bằng cách kè bờ, đóng cọc tre, chắn xói mòn bằng các bao tải cát, do nền đất phù sa yếu, rất dễ bị xói mòn nên hệ thống tường bao cũng không thể giữ nổi móng nhà khi dòng chảy xoáy mạnh vào bờ.
Ngoài ra, mùa mưa lũ đang đến, tình hình sạt lở tại các khu dân cư ven sông càng diễn biến phức tạp, thì đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Nếu mực nước sông lên cao khoảng 1 - 2m nữa thì nhiều nhà dân ở khu vực này sẽ bị “Hà bá” nuốt chửng.
Nặng nhất phải kể đến căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ngõ 639, bị nước sông nuốt trôi toàn bộ phần đất nền và móng nhà sâu tới 1,2m, kéo dái 3,7m, nghiêng 15 độ, trơ lại lớp bê tông nền chênh vênh trên dòng nước lớn. Đứng trước nguy cơ bị nguy hiểm, bị mất nhà bất cứ lúc nào, gia đình anh Thanh đã đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ, và đã thu dọn đồ đạc di chuyển kịp thời.
Cạnh đó, ngôi nhà kiên cố của bà Nguyễn Thị Thịnh đang dần đổ nghiêng ra sông. Móng nhà, nền gạch xuất hiện các vết nứt lớn, chạy ngoằn ngoèo khắp khoảng sân trước vốn đã lõm sâu, khu bếp sinh hoạt cũng rời hẳn ra khỏi nhà, hướng ra sông... Ngoài ra, xung quanh đó còn hộ Trần Thị Hồng, Vũ Đình Tiến, Phạm Hồng Thúy… có nguy cơ sạt lở cao.
Vết nứt ngày càng rộng, tách rời 2 công trình |
Chị Thịnh cho biết, gian bếp của gia đình nhiều ngày nay không dám sử dụng nữa do phần móng đã bị nuốt trôi hoàn toàn. Trong nhà xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài dọc bờ tường, dưới nền gạch. Gia đình chị cũng đã di tản đồ đạc giá trị và gửi con cái nhờ anh em bà con, thỉnh thoảng chị lại đảo qua nhà xem tình trạng sụt lún chứ không dám ở.
Theo báo cáo nhanh của UBND phường Chương Dương thì hiện có 50 hộ dân sống sát sông Hồng của phường nằm trong diện cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao, trong đó có 5 hộ dân thuộc diện rất nguy hiểm tại ngõ 661 Bạch Đằng phải di dời khẩn cấp. Nặng nhất hộ anh Nguyễn Văn Thanh, phần sau ngôi nhà đã bất ngờ bị “hà bá” ngoạm mất, không thể ở được.
Móng nhà bị hà bá khoét rỗng |
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Trung Sơn – Phó chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết, để đối phó với nguy cơ sạt lở và cứu nhà của các hộ dân ven sông, phường đã tích cực cho đổ đất đá ngày đêm ven bờ đồng thời các hộ dân tích cực đóng bao tải đất cát, đóng cọc kè móng nhà mình tránh sạt lở. Tính mạng người dân là quan trọng nhất nên phường quyết liệt yêu cầu các hộ dân phải rời khỏi nhà, khi nhà bị cuốn gần hết ra sông.
Do đất phù sa yếu, người dân kè bằng bao tải cũng không ăn thua |
Đề cập đến phương án di dời và kinh phí hỗ trợ, ông Sơn cho rằng, UBND phường đã vận động các hộ dân này tự chủ động di dời là chính, riêng hộ nhà anh Nguyễn Văn Thanh bị sạt lở nghiêm trọng, nhà nghiêng hẳn xuống sông, có thể sập bất cứ lúc nào, chính quyền phường đã hỗ trợ di dời, bố trí nơi ở mới.
Giải pháp trước mắt, UBND phường đề xuất lên quận hỗ trợ kinh phí thuê nhà đối với hộ anh Nguyễn Văn Thanh. Còn giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ họp các ban, ngành để có hướng giải quyết đề xuất lên cấp trên xử lý. Ông Sơn lý giải. Ngoài ra, tổ chức trực ban UBND phường nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mực nước trên sông để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống...
Người dân kiến nghị chính quyền hỗ trợ kinh phí di dời, bố trí nơi ở mới |
Khi nhà mình có hiện tượng sụt lún, nứt toác người dân đã nhanh chóng báo cáo về tình trạng sạt lở với chính quyền địa phương, để kịp thời hỗ trợ di chuyển nhưng đến nay, kinh phí hỗ trợvẫn nằm trên giấy. Hàng ngày, cả khu dân cư ven sông vừa sinh hoạt vừa nơm nớp lo sợ và chống chọi với “Hà bá”, người dân mong mỏi chính quyền địa phương nên sớm có phương án xử lý để đảm bảo an toàn và ổn định đời sống lâu dài.
Nguyễn Hiếu