Hà Nội nghiêm cấm dùng xe công, đi lễ hội trong giờ hành chính
Hà Nội yêu cầu cán bộ, người lao động tại các cơ quan, đơn vị không được sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội (Ảnh minh họa) |
Theo yêu cầu của Sở Văn hóa Thể thao và du lịch Hà Nội về tăng cường quản lý lễ hội xuân Ất Mùi 2015, các khu du lịch, lễ hội không được phép treo đèn lồng không rõ nguồn gốc, không được đổi tiền lẻ tại di tích trong dịp lễ hội.
Giám đốc Sở Văn hóa Tô Văn Động cũng yêu cầu các đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước vào tổ chức lễ hội và tham quan lễ hội khi không được phép. Đặc biệt lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị không được sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội, trừ các trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công.
Sở Văn hóa cũng cho biết, năm nay Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, do các Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn, tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm túc những sai phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực tại các lễ hội như chèo kéo khách du lịch, mất vệ sinh an toàn thực phầm, đặt quá số lượng hòm công đức, bói toán, cờ bạc… Đặc biệt tại các địa phương có lễ hội lớn, diễn ra dài ngày như Chùa Hương (Mỹ Đức), Chùa Thày (Quốc Oai), Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), Lễ hội Gióng (Gia Lâm)…
Liên quan đến việc tổ chức Lễ hội Chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết, huyện đã ra thông báo yêu cầu đăng ký, gắn biển quản lý thuyền, đò và nghiêm cấm không được sử dụng xuồng gắn máy hoạt động trên các tuyến suối trong khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn.
Huyện Mỹ Đức cũng yêu cầu không treo móc thịt động vật trước cửa hàng (kể cả treo trong tủ) đối với hàng ăn. Huyện Mỹ Đức cũng chỉ thị nghiêm cấm kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trong lễ hội, miễn không thu phí thắng cảnh trong những ngày 30, mùng 1, 2 Tết Nguyên đán 2015.
Là lễ hội đầu xuân lớn nhất cả nước, Lễ hội chùa Hương được khai mạc vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm. Dự kiến năm nay Chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách.