Hà Nội: Ngang nhiên san lấp, dựng rào sắt 'xẻ thịt' hành lang thoát lũ sông Hồng
Phường Ngọc Thụy khẳng định các đối tượng đổ đất đá lấp bãi sông Hồng, hành lang thoát lũ của Hà Nội, sẽ buộc phải dọn sạch hiện trường, trả nguyên trạng, thực tế, không ít khu bãi bị lấp đang bị dựng cột bê tông, căng lưới B52 chiếm giữ
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại các ngõ 409, 399, 341 khu phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, tình trạng đổ đất lấp bãi ven bờ sông Hồng, chiếm giữ đất công cộng sau thời gian dài nằm im vì bị cơ quan chức năng kiểm tra, cưỡng chế, lại ngang nhiên khởi động.
Đáng lo ngại, nhiều diện tích đất bãi sông Hồng từng bị các đối tượng đổ đất, phế thải lấn chiếm bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, đặt biển cấm, nhưng không buộc trả lại nguyên trạng, hiện đang bị đối tượng ngang nhiên chuyển cọc bê tông, lưới B52 vào làm rào chắn, chiếm giữ.
Đằng sau tấm biển 'cấm đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng, cấm dựng rào bê tê tông, B52...", các đối tượng đang ngang nhiên vận chuyển cọc bê tông, lưới vào để dựng cột, giăng hàng rào lưới B40, tập kết vật liệu để dựng nhà tạm.
Đáng nói, với vị trí nằm ngay cạnh sông Hồng và sông Đuống, phố Bắc Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu vực hành lang thoát lũ từ năm 2006.
UBND phường Ngọc Thụy đặt biển cấm đổ phế thải ở khu vực bờ bãi sông Hồng. Nhưng phía sau tấm biển, các nhóm đối tượng vẫn ngang nhiên đổ cọc bê tông, rào hàng rào lưới B40, tập kết vật liệu để dựng nhà tạm. |
Trao đổi với PV Infonet về sự việc này, bà Lê Thị Bích Hoài, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy xác nhận: “Ngày trước có tình trạng đổ đất và phế thải xây dựng ở khu vực hành lang thoát lũ. Từ khi báo chí phản ánh hồi cuối năm 2020, phường Ngọc Thụy đã tập trung xử lý.
Chính quyền đã kiểm tra hiện trạng, chôn cột, đặt lán ở đầu đường, lập trạm kiểm soát xe chở phế thải để ngăn chặn lại, xử lý, không để xảy ra vi phạm. Đến nay không còn tình trạng đổ phế thải nữa”.
"Phường đã chỉ đạo sát sao, các cơ quan ban ngành của phường cùng vào cuộc, từ Công an phường đến bảo vệ tổ dân phố, thành lập tổ phản ứng nhanh đến các điểm kiểm soát rồi chôn cột, chôn biển cảnh báo.
Chủ tịch UBND phường đã giao Công an phường nếu phát hiện bất cứ trường hợp nào đổ đất lấp bãi sông Hồng, công an yêu cầu đối tượng dọn dẹp trả lại nguyên trạng bãi sông và xử phạt hành chính theo quy định.
Bãi đất hàng nghìn mét vuông lấn chiếm bãi sông tại ngõ 341 Bắc Cầu cơ bản đã được đổ kín, chèn bao bố, đóng cọc bê tông quây kín bằng hàng rào lưới thép. |
Bà Phó Chủ tịch phường Ngọc Thụy phân trần: “Chúng tôi khẳng định không có chuyện đổ ồ ạt, đổ nhiều như trước đây".
Tuy nhiên, phóng viên đưa ra bằng chứng hình ảnh vừa chụp trong các ngày 14-16/6 cho thấy tình trạng đổ đất cát, lấn chiếm bờ bãi sông Hồng, quây rào kiên cố tại các điểm đã san lấp đất bãi tại các khu vực cuối ngõ 409, 399, 341 khu phố Bắc Cầu.
“Tôi cũng rất bức xúc về tình trạng đổ trộm như thế bởi họ thường đổ về ban đêm. Tổ công tác của phường không phát hiện được. Người dân cũng không phát hiện được, không phản ánh về phường như trước nữa", Phó Chủ tịch phường Ngọc Thụy nói.
Sau khi vùng đất bãi sông Hồng này bị cưỡng chế, nhưng không buộc trả lại nguyên trạng, các đối tượng tiếp tục dựng cột bê tông, rào sắt thể hiện 'chủ quyền' |
Về hiện trạng các đối tượng rào đất, dựng cọc ngay sau biển cấm, bà Hoài phân trần "do họ cố tình rào đất ra thôi chứ chính quyền phường đã đi xử lý một vệt rồi, chúng tôi cho thuê cả máy để xử lý, có báo chí đã ghi nhận, với việc người dân cố tình lấn chiếm các vị trí đất công, chúng tôi đã xử lý trước 1 số khu vực.
Bà Hoài cũng thừa nhận, "nhưng làm cũng có khó khăn, không phải cứ làm là được đâu".
Hình ảnh phố bắc cầu nhìn từ giữa sông Hồng |
Trước nghi ngờ của người dân liệu có chuyện bảo kê cho các đối tượng ngang nhiên san lấp, rào chắn chiếm đất bãi, vi phạm hành lang thoát lũ Hà Nội, Phó Chủ tịch phường Ngọc Thụy nói: "Tôi khẳng định không có chuyện chính quyền bảo kê cho việc đổ phế thải, chỉ có trường hợp nào đổ trộm chưa phát hiện được thì chưa xử lý được.
Trường hợp nào phát hiện được thì đều được xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu có cá nhân nào làm (bảo kê san lấp bãi sông Hồng – PV) thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Phường Ngọc Thụy, quận Long Biên sẽ làm gì để bảo vệ hành lang thoát lũ của Hà Nội? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!
Sông Yên
Hà Nội: Ngang nhiên đổ đất, xây dựng lấn chiếm trên hành lang thoát lũ
Là khu vực được Thủ tướng phê duyệt thuộc hành lang thoát lũ từ năm 2006, thế nhưng tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng lấn chiếm vẫn diễn ra ngang nhiên với tần suất ngày càng tăng tại khu phố Bắc Cầu, thuộc phường Ngọc Thụy (Hà Nội).