Hà Nội: Khởi tố nữ giám đốc 'lập nghiệp' bằng công ty lừa đảo
Trong vòng 3 năm, Lan Anh đã thay đổi tên công ty, chuyển trụ sở và giới thiệu chức năng "ảo" về công ty khi chưa được cấp phép hoạt động trong các lĩnh vực này.
Chiều 12/10, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1987, ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Lan Anh bị cơ quan công an khởi tố. |
Theo cơ quan công an, vào tháng 4/2017, Nguyễn Thị Lan Anh đã thành lập và làm Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn và đào tạo du học HMĐ Việt Nam, địa chỉ tại A9-X3, tổ dân phố 20 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, công ty của Lan Anh lại hoạt động tại địa chỉ: 34G-X4, ngõ 5, Lê Đức Thọ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Đến tháng 3/2018, Nguyễn Thị Lan Anh đổi tên công ty thành Công ty TNHH thương mại dịch vụ và tư vấn Lan Anh HB, hoạt động ngành nghề giáo dục nghề nghiệp.
Đến tháng 9/2019, công ty này chuyển trụ sở văn phòng về đường Trịnh Văn Bô, Tòa Thông tấn, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Nguyễn Thị Lan Anh đã tư vấn, giới thiệu công ty của mình có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động, du học và làm visa thương mại đi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, công ty không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không được cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến 5/2020, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và tư vấn Lan Anh HB đã tư vấn và thu tiền của 05 công dân với tổng số tiền là 902.642.500 đồng; sau khi khắc phục cho các công dân, số tiền còn lại là 754.105.000 đồng, Lan Anh đã dùng trả nợ và tiêu xài cá nhân không có khả năng trả lại.
Ngày 14/7/2021, Công an quận Nam Từ Liêm đã khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lan Anh, phát hiện và thu giữ các phiếu thu, tài liệu, hồ sơ của các công dân.
Tại cơ quan điều tra, Lan Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: “Lừa đảo là hành vi được thực hiện phổ biến hiện nay nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác bằng các thủ đoạn gian dối.
Tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà hành vi đó thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này”.
Ngoài ra, luật sư Bình cũng phân tích: “Thủ đoạn gian dối là dấu hiệu cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu duy nhất để cấu thành tội phạm. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài thủ đoạn gian dối, người có hành vi phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nếu chỉ có thủ đoạn gian dối nhưng không có ý định chiếm đoạt tài sản đó thì chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ đó tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm khác nhau”.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Điều 174 – Bộ luật Hình sự 2015 có quy định rằng người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Sông Yên