Hà Nội còn 20 “điểm đen” có thể xảy ra ngập lụt
Trao đổi với báo chí trước mùa lụt bão vào chiều 25/6, Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội Nguyễn Lê cho biết trong tình huống mưa vừa (khoảng 50 mm) các trục chính của thành phố sẽ không có điểm úng ngập, chỉ có một số khu vực trũng, hệ thống thoát nước chưa được cải tạo, hay khu vực có công trình thi công có thể xảy ra ứ đọng nước trên mặt đường.
Hà Nội có thể xảy ra 20 điểm ngập lụt khi mưa lớn xảy ra. Ảnh TP |
Tuy nhiên nếu Hà Nội phải hứng chịu những trận mưa to từ 50 – 100 mm sẽ có khoảng 20 khu vực có thể xảy ra úng ngập trong khu vực nội thành khi lượng mưa lên đến 100mm. Trong tình huống này Hà Nội sẽ phải vận hành tối đa công suất của trạm bơm Yên Sở và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt.
Trường hợp xảy ra trận mưa rất to trên 100 mm, ngoài huy động 100% cán bộ công nhân viên Hà Nội sẽ phải phá dỡ toàn bộ các đập chặn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước.
Ngoài những công trình thoát nước hiện có, ông Lê cũng cho biết đang triển khai dự án II – dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 6.500 tỷ đồng, và hiện đã tăng lên đến 8.000 tỷ đồng do phát sinh chi phí GPMB.
Mục tiêu dự án II sẽ chống ngập úng thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310 mm/2 ngày. Đây là một dự án có quy mô thu hồi đất và GPMB rất lớn với hơn 250 ha, trải rộng khắp thành phố trên 8 quận huyện với gần 60 phường xã.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 11 hồ chứa thủy lợi dung tích trên 2 triệu m3 tập trung tại các khu vực ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất… Tuy nhiên các hồ lại đã sử dụng trên dưới 30 năm, mặc dù đã được tu sửa nhưng nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, ảnh hưởng không những tới sản xuất mà còn gây mất an toàn khi chống lũ.
Mặc dù vậy Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung vẫn trấn an “cứ yên tâm vì chúng tôi đã đặt ra các tình huống, khi xảy ra sẽ có biện pháp xử lý”.
Để công tác phòng chống ngập lụt đạt hiệu quả, ông Trung cho biết sẽ tiếp tục xử lý các điểm vi phạm về đê điều. Bên cạnh một số tổ chức cá nhân cố tình vi phạm, vẫn còn một số bất cập do lịch sử để lại. Điển hình như nếu mở rộng đê thì đê sẽ lấn nhà các hộ dân sống lâu đời tại đó. Đối với các công trình đặc biệt như nhà cổ, khu vực sống chung với lũ sẽ được xếp vào công trình đặc biệt để có giải pháp đặc biệt.
Riêng đối với các công trình vi phạm, ông Trung khẳng định sẽ “xử lý triệt để”. Đối với những trường hợp vi phạm về khai thác cát sẽ tập trung xử lý thường xuyên. Thực tế mới đây đã có 8 vụ trọng điểm vi phạm đã bị xử lý rất kiên quyết như ở khu vực cầu Thanh Trì, cầu Thăng Long, Tây hồ…