Hạ nhiệt căng thẳng Biển Đông, Trung Quốc "hành động lạ" với Philippines
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), chuyến thăm bất ngờ của tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu số hiệu 5204 tới Manila do thuyền trưởng Wang Zhongca chỉ huy.
Chuyến thăm này kéo dài từ ngày 14 - 17/1, trong bối cảnh dư luận Philippines ngày càng tức giận trước việc Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng đặc quyền kinh tế mà Manila tuyên bố trên Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiên tới thăm Philippines. (Ảnh: SCMP) |
Tàu 5204 của Trung Quốc sẽ tham gia cuộc diễn tập cứu hộ chung với lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines vào ngày 15/1 và rời cảng Manila vào ngày 16/1.
“Chuyến thăm cảng là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tôi muốn nói rằng, đây là mục đích của Trung Quốc nhằm đối thoại và đàm phán với lực lượng hải cảnh Philippines”, Đô đốc Joel Garcia, chỉ huy lực lượng hải cảnh Philippines nhận định.
“Chúng tôi tin chuyến thăm sẽ là cơ hội tốt đẹp cho cả hai bên để thể hiện thiện chí, sự hiểu biết đôi bên sâu sắc và sự tin tưởng cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác”, SCMP dẫn tuyên bố từ đại sứ quán Trung Quốc.
Trong thời gian qua, nhiều lời chỉ trích cho rằng Trung Quốc sử dụng các tàu “dân quân biển” để tấn công loạt tàu cá của những nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài hoạt động đánh cá như bình thường, nhữngtàu “dân quân biển” của Trung Quốccòn bị tình nghi tham gia vào hoạt động quân sự hoặc trở thành lực lượng hiện diện thường trực ở Biển Đông dưới danh nghĩa tàu cá. Thuật ngữ “dân quân biển” được luật pháp Trung Quốc quy định khi nhắc tới các tàu cá tham gia vào lực lượng bán quân sự của nước này
Sau hàng loạt va chạm liên quan tới các tàu "dân quân biển" của Trung Quốc va chạm với tàu cá các nước mà điển hình là vụ một tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá Philippines khiến 22 ngư dân Philippines bị rơi xuống biển hồi năm ngoái, dư luận Philippines tỏ ra ngày càng tức giận và đặt câu hỏi nghi ngờ về mục đích chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Cụ thể, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bùng phát sau vụ việc hôm 9/6, một tàu Trung Quốc được cho đã tấn công tàu cá FB Gimver 1 của Philippines khiến tàu này bị chìm ở khu vực bãi Cỏ Rong (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên khu vực Biển Đông. Đáng nói, sau vụ tấn công, tàu Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi hiện trường để mặc 22 ngư dân Philippines chơi vơi trên biển. Rất may, một tàu của Việt Nam hoạt động gần đó đã cứu toàn bộ ngư dân Philippines.
Bình luận về chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc, thẩm phán về hưu Antonio Carpio nhấn mạnh, “khi người hàng xóm chiếm sân sau của bạn mà bạn vẫn mời họ tới phòng ăn để dùng bữa nghĩa là bạn đã tha thứ cho họ”.
Tuy nhiên, Đô đốc Garcia đã phủ nhận lời bình luận trên và cho rằng, chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc là cơ hội để hai nước đối thoại.
Cũng theo ông Garcia, nội dung họp bàn được Bộ Ngoại giao Philippines xây dựng và tập trung chủ yếu vào đối thoại các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân hai nước, về các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông và phương án tránh để xảy ra những vụ va chạm như thời gian qua.
Theo ông Garcia, không có bằng chứng nào cho thấy các tàu đánh cá được quân đội Trung Quốcsử dụng để tấn công tàu Philippines, do đó vấn đề này sẽ không được đưa ra thảo luận.
Những thông tin về việc ngư dân Philippines bị tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc tấn công chỉ là “những vụ việc riêng lẻ”, ông Garcia nói thêm.
“Không có biện pháp nào hữu hiệu hơn ngoài ngoại giao và đối thoại mặt đối mặt trên bàn đàm phán và bàn luận về quan điểm của các bên”, ông Garcia chia sẻ.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines hiện không lên tiếng bình luận về chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc.
Đáng nói, lực lượng hải cảnh Philippines là một cơ quan dân sự thuộc Bộ Giao thông và Vận tải, thì hải cảnh Trung Quốc lại là một phần của quân đội Trung Quốc.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.