Hà Nam phát triển bền vững ngành nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nam xác định được phát triển nông nghiệp đòn bẩy để tăng trưởng bền vững, hiện tỉnh có nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 08/4/2016 về việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Để triển khai các Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất.
Đến nay, tỉnh Hà Nam có tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1,02%; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi - thủy sản và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng trồng trọt - lâm nghiệp.
Hà Nam phát triển bền vững ngành nông nghiệp công nghệ cao |
Nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao đã được hình thành và phát triển, thu hút được các doanh nghiệp lớn, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư vào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh như khu nông nghiệp công nghệ cao xã Xuân Khê - Nhân Bình với diện tích 180 ha, xã Nhân Khang diện tích 21,6 ha. Giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác năm 2020 trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất ngoài trời đạt từ 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm, trong khu trong nhà kính đạt từ 3-4 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Minh Tiến- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân, giá trị sản xuất/đơn vị diện tích bình quân lĩnh vực trồng trọt và nuôi trồng thủy sản còn thấp; tỷ lệ cơ giới hóa trong một số khâu, một số lĩnh vực sản xuất chưa cao; các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp bảo quản chế biến nông sản chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh...
Theo ông Tiến, trong thời gian tới từ năm 2021 – 2025, Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung ruộng đất nhưng có thể hiểu theo khái niệm góp đất để sản xuất nông nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao đưa cơ giới hóa vào sản xuất và chuyển đổi những khu nông nghiệp công nghệ cao đã phê duyệt không phù hợp thì chuyển đổi. Hướng tới những khu nông nghiệp công nghệ gắn với du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm mà Hà Nam có lợi thế nhiều điểm du lịch gắn với Hà Nội phát triển loại hình du lịch không lưu trú.
Khánh Chi