GS Thuyết và lời khuyên phụ huynh thua cuộc ở trường Thực nghiệm
GS Thuyết và lời khuyên phụ huynh thua cuộc ở trường Thực nghiệm
Cánh cổng trường đã bị phụ huynh xô đổ sau một đêm thức trắng chờ đợi mua hồ sơ cho con vào lớp 1. GS. nghĩ gì khi biết cảnh tượng này?
Tôi thấy buồn khi sự việc này xảy ra ở giữa Thủ đô. Cảnh tượng xếp hàng đến sáng, rồi đổ xô vào khi cổng trường mở không phải lần đầu, cũng không phải chỉ có ở cấp tiểu học. Có lẽ không một nước nào trên thế giới lại diễn ra cảnh tượng này.
Nếu các trường điểm khác của Hà Nội tuyển sinh trên phạm vi toàn thành phố như Trường Thực nghiệm thì chắc sẽ còn nhiều cánh cổng nữa bị đạp đổ.
Hành vi chen lấn, xô đẩy cổng trường Thực Nghiệm rất phản cảm. Cảnh tượng này khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh mua gạo thời bao cấp, làm xấu đi hình ảnh của người Thủ đô.
Sự việc đau lòng này xảy ra, theo GS. lỗi này thuộc về các bậc phụ huynh muốn cho con vào học ở trường Thực Nghiệm, hay xa hơn là điều gì?
Sự việc này vừa thể hiện sự lúng túng trong điều hành, vừa chứng tỏ một nếp sống chưa văn minh.
Trách nhiệm này trước hết thuộc về địa phương. Tại sao lại tồn tại tình trạng bất bình đẳng giữa các trường như vậy? Có trường cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giỏi. Ngược lại có những trường rất nghèo nàn, giáo viên giỏi không muốn về hoặc có về cũng nhanh chóng đi.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Hình ảnh xô đổ cổng trường khiến tôi liên tưởng đến cảnh mua gạo thời bao cấp. Ảnh LD |
Điều đó cho thấy chúng ta đang thiếu những trường có điều kiện tốt. Bên cạnh đó thành phố cũng chưa đảm bảo điều kiện vật chất, và nguồn lực giáo viên.
Tôi rất chia sẻ với các bậc phụ huynh, mong muốn cho con vào trường tốt. Nhưng để đạt được mục đích ấy mà không ai chịu nhường ai thì thật đáng buồn.
Trong cơn động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2010, người dân trên khắp thế giới đã phải nể phục vì sự tương thân tương ái, trật tự nề nếp của người dân nơi đây. Điều gì khiến chúng ta khác với người Nhật như vậy?
Người xưa từng nói: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Vì thế trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Thủ đô cũng cần giữ nếp sống thanh lịch của mảnh đất ngàn năm văn vật.
Tôi tin Trường Thực nghiệm là một ngôi trường tốt. Có thể thấy điểm nổi trội ở Trường Thực nghiệm là học sinh được học bán trú, không buộc phải học thêm, không phải chịu sức ép học hành nặng nề và luôn được thầy cô tôn trọng.
Nhưng phải chăng nhiều phụ huynh muốn con vào học trường này vì đó là trường mà GS Ngô Bảo Châu đã học? Nếu vì lý do đó thì chúng ta nên hiểu, để thành tài như GS. Ngô Bảo Châu sẽ cần rất nhiều yếu tố. Trong đó có truyền thống gia đình, nỗ lực của bản thân và môi trường học tập, làm việc…
Khi áp dụng mô hình giảng dạy thực nghiệm mà trường này có uy tín như vậy, theo ông, đâu là lý do ngành giáo dục không nhân rộng mô hình này?
Chương trình thực nghiệm là đề tài khoa học nên nó đã được đánh giá nhiều lần. Tôi đã được dự khán một đợt đánh giá tổng thể vào cuối năm 1995. Đó là đánh giá của Hội đồng cấp nhà nước do GS.TS Phạm Tất Dong (lúc đó là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương) làm Chủ tịch.
Lúc đó Hội đồng không ủng hộ chương trình này. Có thể đó là lý do khiến chương trình chưa được nhân rộng.
Từ đó tôi không có điều kiện theo dõi nên không biết còn lần đánh giá, nghiệm thu nào nữa không. Đến nay Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang là đơn vị phụ trách trường Thực nghiệm. Chắc rằng Viện này phải có đánh giá để tìm ra những gì khả thi nhất. Tuy nhiên khi thử nghiệm trong phạm vi hẹp có thể đạt yêu cầu, nhưng khi triển khai rộng lại khó thành công, vì điều kiện thực tế khác xa so với phòng thí nghiệm.
Nhiều người nhói đau trước cảnh tượng này |
GS. có dành lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh không có điều kiện cho con vào những trường uy tín như trường Thực nghiệm?
Theo tôi ở cấp tiểu học, phụ huynh chỉ cần cho con vào những trường có thầy cô tận tuỵ, quan tâm đến học trò và lớp không quá đông. Nhưng dù con cái học ở đâu đi chăng nữa, thì cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm rèn luyện nền nếp học hành, vui chơi của con.
Tôi khuyên phụ huynh không nên chạy trường cho con từ tiểu học. Bỏ tiền mua “suất” học cho con, xô đổ cổng trường… Làm như vậy nhân cách của trẻ sẽ bị tổn hại rất nhiều.
Cũng là một phụ huynh, trước đây GS. đã định hướng môi trường học cho các con như thế nào?
Tôi có hai người con. Thời điểm khi công tác ở Thái Nguyên, cả hai con tôi bước vào tiểu học và đều học ở trường gần nhà.
Khi về Hà Nội cũng thế. Chỉ đến khi thi vào THPT, hai con tôi mới chọn Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Bây giờ cả hai đều đã trưởng thành: Cô con gái đầu bảo vệ luận án tiến sĩ ở New Zealand, hiện là giảng viên một trường ĐH uy tín ở Singapore. Còn cậu con trai là kiến trúc sư, đã học xong thạc sĩ và hiện đang làm việc ở Hà Nội.
Xin cảm ơn GS!
Nguyễn Dũng
(thực hiện)