Góp ý dự thảo chương trình GDPT mới: Quá nặng kiến thức, quá nhiều môn học
Quá nặng cho học sinh tiểu học
Cô Thùy Hương, giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh cho biết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa thấy sự giảm tải cho học sinh so với chương trình cũ. Chương trình mới vẫn ôm đồm và nặng nề đối với học sinh cả ba cấp, đặc biệt là cấp tiểu học.
Theo dự thảo, ở bậc tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.
Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).
Cô Thùy Hương nhận xét: “Nhìn vào các môn học đã thấy chóng mặt, trong khi thực tế, đó hầu hết là các môn hiện nay các em vẫn đang được học. Ví dụ như Giáo dục lối sống giống môn Đạo đức; Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên thực chất là môn Tự nhiên và Xã hội).
Môn Tiếng Việt thực chất là sự tích hợp của rất nhiều phân môn trước đây như Tập đọc, Chính tả, Tập viết, Luyện từ và câu, Kể chuyện, Tập làm văn. Tổng thời lượng với lớp 1-3 là 1.147 tiết, ở lớp 4-5 là 1.184 tiết, cùng với các môn bắt buộc, học sinh tiểu học phải học tới 8 môn chính, chưa kể đến các môn học bắt buộc có phân hóa.
Như vậy, nếu so với chương trình cũ, chương trình mới nặng về kiến thức hơn rất nhiều, quá tải hơn nhiều so với chương trình trước đây và chắc chắn sẽ rất áp lực cho trẻ trong độ tuổi 6 – 7.
Vốn dĩ học sinh tiểu học chỉ nên hướng tới mục tiêu dạy các em biết đọc và viết thông thạo tiếng Việt, bước đầu làm quen với việc học ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống và sự hiểu biết ban đầu về tự nhiên, xã hội chứ không phải nhồi nhét quá nhiều kiến thức như chương trình mới đặt ra.
Không giảm tải
Nhiều giáo viên cho biết, theo dự thảo này, chương trình chưa giảm tải nội dung học tập. Thời lượng học ở cấp THCS và THPT là 29-30 tiết một tuần, với một buổi học một ngày, tương đương với chương trình hiện hành. Trong khi với thời lượng này, các nhà trường kêu rất nhiều vì không có thời gian cho hoạt động khác như sinh hoạt lớp, trường, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên...
Ở các lớp 8-9-10 học sinh phải học 5 tiết/tuần, mỗi tuần học 6 ngày đã đủ 30 tiết theo chương trình. Như vậy, giờ chào cờ và giờ sinh hoạt lớp hiện nay đưa vào đâu? Mặt khác theo chương trình mới, lớp 10 học tới 15 môn, nhiều hơn hiện nay.
Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, ông rất băn khoăn về tính thực tế của chương trình khi áp dụng. Ông lấy một dẫn chứng đơn giản như việc cho phép học sinh lựa chọn môn học sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị nhân sự khi chương trình đi vào thực tế.
Ví dụ như năm nay học sinh đăng ký nhiều môn Lý, Hóa, sang năm đăng ký nhiều môn Sử, Địa, vậy những giáo viên được tuyển dụng năm trước để đáp ứng nhu cầu học của học sinh, đến năm sau học sinh không đăng ký nữa thì trường sẽ phải xử trí như thế nào?
Theo chương trình mới thì ở cấp THPT sẽ có thêm môn Mỹ thuật, Âm nhạc với thời lượng 3 tiết/ tuần mà từ trước tới nay các trường không dạy môn này vậy giáo viên sẽ lấy ở đâu? Không thể cấp tập tuyển một lứa giáo viên tốt nghiệp trường nghệ thuật nào đó mà không có khả năng sư phạm để giảng dạy.
Với hàng loạt môn học mới như Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Thế giới công nghệ (ở Tiểu học); Công nghệ và hướng nghiệp (ở THCS); Giáo dục kinh tế và pháp luật; Thiết kế và Công nghệ (ở THPT)... giáo viên sẽ dạy như thế nào khi chính họ còn lơ mơ về các môn học?
PSG.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, có vẻ những người xây dựng chương trình khá chủ quan khi soạn một dự thảo mà chỉ dựa trên ý kiến của một số cá nhân, thiếu khảo sát thực tế.
Có một triết lý giáo dục là nền giáo dục dù tiên tiến thế nào cũng phải luôn ghi nhớ đó là không có nền giáo dục nào phát triển trên trình độ người thầy. Vậy người thầy ở vị trí nào trong chương trình giáo dục phổ thông mới?