GLTT phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và khử trùng nguồn nước, môi trường sau mưa lũ

Những ngày qua, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân, mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phát sinh dịch, bệnh, ô nhiễm môi trường.

Sau mưa lũ, rất nhiều vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, an toàn thực phẩm không bảo đảm, trong khi đó mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan... Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện nhiều loại dịch bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn… là rất lớn.

Vì vậy ngay khi nước rút, cần thực hiện các biện pháp xử lý nước và môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thực hiện nguyên tắc “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động, hướng dẫn nhân dân dọn vệ sinh kết hợp với xử lý nước và vệ sinh môi trường.

{keywords}
Phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm và khử trùng nguồn nước sau mưa lũ là vấn đề cấp thiết hiện nay

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến: Phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm và khử trùng nguồn nước sau mưa lũ. Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra, Bộ Y tế phối hợp cùng Chuyên trang Infonet - Báo VietNamnet tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến tư vấn cho người dân cách phòng bệnh truyền nhiễm cũng như vệ sinh để đảm bảo phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

{keywords}
Ông Dương Chí Nam (trái) - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – Bộ Y tế.

Thời gian giao lưu trực tuyến: 14h00 ngày 06/11/2020.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới các chuyên gia y tế, dịch tễ từ Bộ Y tế để có thông tin kịp thời, chính xác, hữu ích về các biện pháp phòng dịch, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Câu hỏi xin gửi vào email: Toasoan@infonet.vn 

Độc giả bấm F5 để cập nhật nội dung tọa đàm trực tuyến:

-Môi trường bị ô nhiễm vì xác động vật chết và các loại chất thải có trong nước lụt sau đợt lũ vừa qua, dù chúng tôi đã dọn về sinh sạch sẽ sau khi nước rút tuy nhiên chúng tôi vẫn rất sợ. Vì sau cơn bão cách đây chục năm cả gia đình tôi đều bị nấm da và rụng tóc nguyên nhân là do nấm ở tường nhà, vi nấm xung quanh. Xin ông cho biết chúng tôi phải làm gì sau khi đã rửa dọn nhà cửa để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe? độc giả Nguyệt Lê, An Cựu, Huế

Ông Trần Đắc Phu: Một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường sau lũ đó là xác động vật chết tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển trong môi trường. Nhà vệ sinh nước cũng bị ô nhiễm bởi chất thải.

Nấm do ẩm ướt, đây là môi trường tạo điều kiện cho nấm phát triển như nước ăn chân, nấm tóc, do vệ sinh kém thì đây thực sự tạo điều kiện cho vi nấm phát triển, côn trùng như chấy rận cũng là chỗ để phát triển mạnh mẽ trong điều kiện vệ sinh kém.

Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho vi nấm phát triển. Theo tôi, chúng ta nên giữ vệ sinh cơ thể trong điều kiện cho phép. Càng giữ được cơ thể khô càng tốt. Ví dụ nấm kẽ chân giữ được khô chân càng tốt, đầu tóc càng hạn chế ướt càng tốt. Nhà cửa càng vệ sinh sạch sẽ, chống hiện tượng ẩm ướt, thông gió, mở cửa cho ánh nắng vào nhà. 

Khi nước rút cần sạch sẽ, dọn bùn đất làm sao tạo môi trường sạch sẽ, không ẩm ướt, thông thoáng.

Khi có bệnh nên dùng thuốc từ nấm tới chấy rận.

{keywords}
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế.

- Đối với các hộ gia đình, những cách làm cần thiết phải thực hiện để dọn dẹp vệ sinh môi trường đảm bảo không xảy ra dịch bệnh ở ngay chính trong nhà họ phải thực hiện như thế nào, thưa ông? - bạn đọc Hà Ngọc - Quảng Trị 

Ông Dương Chí Nam: Các gia đình cần chú ý thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau bão lụt như sau:

- Nước rút đến đâu các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được phù sa, đất cát… ra khỏi nhà, sân và đường đi.

 - Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.

 -  Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ.

 -  Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu. Trường hợp nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu.

- Xử lý, chôn lấp xác súc vật chết theo hướng dẫn của cán bộ y tế đảm bảo vệ sinh.

-Xin chào ông Nam, sau lũ lụt gia đình tôi bị ngập khoảng 80 cm so với sàn nhà. Dù nhà đã dọn dẹp xong nhưng tường vẫn rất ẩm mốc. Chúng tôi được hướng dẫn mua cloramin B về khử trùng. Dù tôi đã phun và rắc bột nhưng bờ tường vẫn ẩm thấp, sinh hoạt vô cùng bất tiện. Chúng tôi cần làm gì để khử nấm mốc, môi trường trong nhà vì thiếu ánh nắng? - bạn đọc Hà LụaTân Ninh, Quảng Bình

Ông Dương Chí Nam: Cám ơn bác đã đặt câu hỏi tư vấn. Trước tiên tôi xin trả lời: việc sử dụng các loại hoá chất như Cloramin B để khử trùng nên được cán bộ y tế hướng dẫn sử dụng, vì nếu dùng không đúng cách, đúng liều lượng thì sẽ không đạt hiệu quả cao. Bác nên hỏi cán bộ y tế tại địa phương để được tư vấn, hướng dẫn chi tiết.

Bác có thể dùng các loại chất tẩy rửa thông thường như VIM, nước lau sàn nhà để lau và làm vệ sinh nhà cửa, tường nhà. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa ra vào cho thông thoáng khí, hoặc bật quạt để tường mau khô để tránh ẩm thấp, nấm mốc.

- Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới,  thiên tai còn có xu hướng ngày càng cực đoan khi các cơn bão có thể “nối đuôi” đổ bộ vào miền Trung, xin ông cho biết người dân vùng lũ cần làm gì để phòng tránh dịch bệnh? --Nguyễn Thị Thu, 30 tuổi, Quảng Nam

{keywords}
Ông Trần Đắc Phu (giữa) - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – Bộ Y tế

-Nguyễn Thị Thu, 30 tuổi, Quảng Nam: Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới,  thiên tai còn có xu hướng ngày càng cực đoan khi các cơn bão có thể “nối đuôi” đổ bộ vào miền Trung, xin ông cho biết người dân vùng lũ cần làm gì để phòng tránh dịch bệnh?

PGS Trần Đắc Phu: Các bạn biết tình hình thời tiết tại khu vực miền trung nặng nề nhất trong vòng mấy chục năm qua. Bản thân miền Trung cũng là nơi chịu nhiều bão lụt từ trước tới nay. 

Người dân ở đây đã có kinh nghiệm trong phòng chống lụt bão nói chung và phòng chống bệnh tật nói riêng. Cũng như Việt Nam, chúng ta là nước có kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh nên ngành y đã có hướng dẫn cho người dân trước khi bão lũ xảy ra phải làm gì, trong thời gian bão lũ phải làm gì, sau lũ lụt phải làm gì ngay sau đó cũng như một vài tháng sau.

Ở đây, tôi muốn nói trước khi lũ lụt xảy ra ta cần thống kê có bao nhiêu người chuẩn bị sinh đẻ, các phương tiện phòng bảo vệ nước sạch, không có nhà vệ sinh, phòng về các thực phẩm có thể bị đói lâu ngày.

Ở thấp cần bịt giếng nước để tránh ô nhiễm.

Trong quá trình lũ ta phải chuẩn bị đầy đủ những cái cần thiết nhất khu lũ lụt xảy ra như hoá chất, khử khuẩn, cung cấp nước sạch, tích trữ lương thực. Có kiến thức về phòng bệnh khi lũ lụt xảy ra. 

Trong thời gian bão lụt xảy ra chúng ta cũng có hình thức. Ví dụ như bị cô lập cần có đủ các yếu tố cho phòng chống dịch. Sau lũ lụt xảy ra ta phải áp dụng các biện pháp để làm sao không mắc bệnh và nếu mắc bệnh thì phải phòng bệnh.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn, sổ tay cụ thể cho từng việc này. 

-Lê Ngọc Đức, 35 tuổi, Quảng Bình: Các chuyên gia dịch tễ cho hay người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm ra những bệnh nào người dân có thể gặp phải?

PGSTrần Đắc Phu: Ở đây trong và sau bão lũ người ta quan tâm nhất là bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn do không được thức ăn hợp vệ sinh. Vừa qua có nơi người dân không có thức ăn người dân phải ăn mì tôm sống dù thực phẩm này sạch nhưng rất khó tiêu hoá. Chưa kể, các thực phẩm không thể nấu chín, gặp gì ăn đấy để chống đói. Tuy nhiên, trong bão lụt không chỉ an toàn thực phẩm mà còn nhiều bệnh khác nữa có thể gây thành dịch như thương hàn, tả, lỵ… đây là bệnh cần quan tâm.

Ngoài ra, còn các bệnh liên quan tới đường hô hấp nhiều như viêm phổi do lạnh, cúm do xảy ra, các bệnh nó đang lưu hành đang bùng lên. Đặc biệt, tại Việt Nam có nhiều bệnh liên quan tới đường hô hấp như bệnh đau mắt đỏ, các bệnh nấm ăn chân dễ bùng phát thành dịch. Ngoài ra các dịch bệnh lưu hành khác như sốt xuất huyết. người dân không được nằm màn dễ bùng lên dịch sốt xuất huyết, bệnh sốt rét. Nếu các bệnh truyền nhiễm dù có tiêm chủng nhưng nếu có ca mắc cũng dễ thành dịch.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là bệnh đường tiêu hoá, hô hấp.

Về sau dịch, người dân bị đói sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng dẫn đến suy nhược dẫn tới dễ mắc các bệnh khác.

{keywords}
 

- Nhà tôi sử dụng nước giếng khoan, mỗi lần lấy nước sử dụng tôi đều cho 1 viên Aquatabs vào thùng nước để khử trùng. Đây là cách tôi học trên mạng và viên xử lý nước được chị gái tôi gửi từ Đà Nẵng ra. Nếu xử lý đơn thuần như vậy đã đảm bảo an toàn nguồn nước cho ăn uống chưa, xin cảm ơn ông? Nguyễn Thị Nguyệt – Lệ Thuỷ, Quảng Bình  

Ông Dương Chí Nam: Nước sạch dùng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt phải đáp ứng nhiều chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Việc khử khuẩn nước giếng khoan bằng viên Aquatabs có tác dụng diệt khuẩn trong nước phù hợp trong tình trạng bão lụt không có điều kiện để xử lý nước để phòng chống bệnh tiêu chảy do vi khuẩn trong nước. Tuy nhiên, Chị cần lưu ý phải sử dụng đúng hướng dẫn ghi trên nhãn sản phẩm để đảm bảo hiệu quả diệt khuẩn và an toàn.

- Tôi không ở vùng lũ nhưng nhìn cảnh khi nước rút môi trường xung quanh nhất là ở các khu công cộng thực sự đáng báo động. Hình ảnh cây cối quấn quanh rác, túi nilon, vật nuôi chết thối rữa. Người dân chắc ai cũng mệt mỏi sau cơn cuồng phong của thiên nhiên. Là chuyên gia về môi trường y tế, ông có khuyến cáo gì với người dân sống quanh khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ như vậy, chúng ta phải làm gì với môi trường sống quanh mình như hiện nay? - (Vũ Thị Gia Thơ – Phan Thiết, Bình Định)

Ông Dương Chí Nam: Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng là chúng ta cần phải tiến hành xử lý môi trường, thau rửa và khử trùng giếng nước, bể nước…thu gom rác thải, chôn lấp xác gia súc, gia cầm càng sớm càng tốt để tránh ô nhiễm môi trường thêm, tránh bùng phát dịch bệnh sau lũ.

Việc này đòi hỏi công sức và mất nhiều thời gian. Tôi cũng rất thấu hiểu và chia sẻ sự vất vả của bà con vùng lũ phải chịu đựng ảnh hưởng của bão, lũ lụt. Mỗi người dân và cả cộng đồng tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ cần chung tay trong việc vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, chôn lấp xác gia súc, gia cầm…

Nhiều trạm y tế, bệnh viện huyện bị ngập, bị cô lập trong lũ, trạm y tế nơi tôi làm việc cũng ngập khoảng 1mét, vậy chúng cần làm gì để đảm bảo vừa phòng chống dịch bệnh cho địa phương, vừa hoạt động an toàn trở lại sau lũ. - (Thái Thị Mai - Hải Lăng, Quảng Trị)

PGS Trần Đắc Phu: Như nhiều cơ sở khác chúng ta đều phải có giải pháp làm thế nào để cơ sở làm việc đi vào hoạt động được. Tuy nhiên, cơ sở y tế ngoài hoạt động tại trạm đảm bảo hoạt động khám chữa cho bệnh nhân… còn phải có hoạt động ở cộng đồng. Trạm y tế bị ngập các bạn cũng phải sửa sang lại, vệ sinh nhà cửa. Giải quyết các trang thiết bị như trang thiết bị nào hỏng do ngâm nước cần bổ sung.

Các trạm cần dự phòng thêm tủ lạnh bảo quản vắc xin, đây là những cái cần giải quyết ngay.

Tại cộng đồng, cần có các bố trí nhân sự kiểm tra giám sát dịch bệnh, hướng dẫn, tuyên tuyền, giải quyết các vấn đề phòng bệnh, phát hiện các dịch bệnh để kịp thời giai quyết. Đây là các yếu tố vô cùng cần thiết.

Để làm được việc này, theo tôi chúng ta cần thực hiện các biện pháp thống kê lại phương tiện, sổ sách, giám sát cộng đồng và chuẩn bị các phương tiện để bổ sung khi mất mát so với ban đầu nhưng cũng phải có bổ sung cho dịch bệnh xảy ra có thể phát triển sau bão lũ.

Đặc biệt, tôi lưu ý thuốc chữa bệnh cần lưu trữ như thuốc liên quan tới các bệnh có thể xảy ra như bệnh đường tiêu hoá, bệnh đường hô hấp, bệnh do nước ăn chân, các đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Chúng ta cần có cơ số thuốc để đáp ứng dịch bệnh sau lũ lụt xảy ra. Bộ Y tế đã có hướng dẫn xây dựng các cơ số để giúp địa phương giải quyết vấn đề này.

Đối với tuyến huyện cần sẵn sàng các tình huống giúp đỡ tuyến dưới đặc biệt là các nơi cơ sở tuyến dưới bị hỏng.

-Nhà tôi ở Hương Khê, Hà Tĩnh, dù đã được cán bộ y tế xuống xử lý giúp nguồn nước sinh hoạt ở giếng, tuy nhiên nhà tôi không có phèn chua, tôi nghe mách có thể dùng cát để lọc nước. Tôi có nhờ anh họ trên thành phố Hà Tĩnh mua giúp ít cát. Điều đó có đảm bảo không? - Nguyễn Văn Hoài Hương Khê, Hà Tĩnh

Ông Dương Chí Nam: Anh có thể dùng bể hoặc xô cát để lọc nước, mục đích là để làm trong nước. Cát cần phải được rửa sạch trước khi lọc. Nước đã làm trong phải được khử khuẩn bằng hoá chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế và đun sôi mới đảm bảo an toàn để sử dụng.

{keywords}
 

Thiếu nguồn nước sạch để sử dụng trong mùa mưa bão là vấn đề gây khó khăn và nguy hiểm tới sức khỏe của chúng ta. Người dân vùng mưa lũ có thể sử dụng các biện pháp làm sạch nước đơn giản để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra. Ông có thể cho người dân một vài cách xử lý nước sạch sau mưa lũ tại gia đình đơn giản nhất để người dân có thể thực hiện theo? 

Ông Dương Chí Nam: Điều quan trọng là hãy cố gắng sử dụng mọi nguồn nước sạch sẵn có để ăn uống sinh hoạt như dự trữ nước sạch trước khi bão lụt; hứng nước mưa hoặc sử dụng nước giếng khoan, giếng đào từ những vùng chưa bị ngập lụt, hoặc nước máy nếu có điều kiện vì đây là những nguồn nước an toàn, chưa bị ô nhiễm.

Trong trường hợp các nguồn nước tại chỗ đều bị ô nhiễm thì có thể lấy nước lũ để xử lý và sử dụng tạm thời. Nguyên tắc xử lý: trước tiên cần phải làm trong nước, sau đó khử trùng và đun sôi để uống.

Cần lọc sơ bộ bằng vải màn để loại bỏ hết rác, lá cây, tạp chất trong nước, sau đó tiến hành làm trong nước. Thường áp dụng làm trong nước bằng phèn chua (nếu không có phèn chua có thể dùng vải lọc đi lọc lại nhiều lần). Sau khi làm trong nước tiến hành khử trùng nước để tiêu diệt các loại vi khuẩn, mầm bệnh trong nước. Để khử trùng nước ta có thể sử dụng các chế phẩm khử khuẩn nước có chứa Clo hoạt tính và sử dụng theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Hoặc sử dụng viên Aquatabs 67mg, 1 viên Aquatabs có thể khử trùng cho 1 xô với 20 lít nước.

Khi nước rút, bà con cần làm vệ sinh, khử trùng ngay các giếng khoan, giếng đào theo hướng dẫn của cán bộ y tế để có nước sạch sử dụng ngay.

- Trong ngành giáo dục chúng tôi, có nhiều sở giáo dục cũng ngập sâu trong mưa lũ, ông khuyến cáo gì để dọn dẹp vệ sinh, phòng các bệnh dễ lây nhiễm trong cơ sở giáo dục như tay chân miệng, đau mắt đỏ, cúm… - (Dương Thị Hoa -Tương Dương, Nghệ An)

PGS Trần Đắc Phu: Các cơ sở giáo dục là nơi tập trung đông người, tính lây lan trong môi trường giáo dục cao. Vì vậy, theo tôi ngoài việc giải quyết các vấn đề vệ sinh phòng chống dịch ở trường lớp như vệ sinh, thau dọn sạch sẽ, bố trí lại nhà vệ sinh, nước sạch, thức ăn cho các cháu bán trú còn cần thực hiện phòng bệnh trong nhà trường như bệnh lỵ, thương hàn… các bệnh đường hô hấp, tay chân miệng, đau mắt đỏ dễ lây lan trong trường học.

Tôi nói rõ bệnh tay chân miệng rất dễ lây, dù là bệnh loét ở tay chân miệng nhưng lây qua tiêu hoá do mất vệ sinh vì thế việc quan trọng nhất trong phòng chống dịch là vệ sinh, khử khuẩn.

Các cơ sở giáo dục cần thực hiện 3 việc chính:

Thứ nhất, vệ sinh cơ sở vật chất, khu vệ sinh trường học

Thứ hai, vấn đề đủ nước sạch, có thể là nước cung cấp, nước khử khuẩn, có điều kiện cần đun sôi..

Thứ ba, phát hiện cháu nào có bệnh cho nghỉ học, đưa đi khám để không lây lan cho các cháu khác.

- Nếu chỉ sử dụng phèn chua làm trong nước đã an toàn hay chưa? Gia đình tôi có cần dùng thêm các hoá chất khác để lọc hay không. Nếu xử lý thì cần làm như thế nào? Nguyễn Viết Thắng – Quảng Bình

Ông Dương Chí Nam: Phèn chua chỉ có tác dụng làm trong nước mà không thể diệt vi khuẩn có trong nước. Do vậy, sau khi sử dụng phèn chua làm trong nước thì cần khử trùng bằng hóa chất khử khuẩn theo hướng dẫn của cán bộ y tế hoặc đun sôi nước rồi mới sử dụng.

-  Hình ảnh trâu bò, gia xúc, gia cầm chết nổi lên trong lũ khiến môi trường sống của người dân sau lũ vô cùng nguy hiểm. Xin ông cho biết những bệnh nào có thể lây từ động vật sang người, để phòng bệnh đó người dân cần làm gì? - (Lê Thị Thêu - Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh)

PGS Trần Đắc Phu: Các bệnh lây từ động vật sang người như bệnh dại, cúm A/H5N1, các bệnh viêm não, bệnh liên cầu lợn…Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng đó là những bệnh liên quan tới giết mổ, ăn thức ăn từ động vật đó.

Còn động vật chết chủ yếu gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, vi khuẩn lây qua đường tiêu hoá phát triển còn các bệnh lây từ động vật sang người thường liên quan tới động vật sống, hoặc do chết do dịch bệnh đó không phải chết do lũ lụt.

Tôi nghĩ rằng việc đầu tiên chúng ta cần thực hiện đó là xử lý tốt các xác xúc vật chết. Nếu có vùng đất khô chúng ta cần chôn, rắc vôi bột, phun hoá chất rồi lấp lại. Còn không, chúng ta gom lại, phun hoá chất khử khuẩn.

Còn khi lũ lụt xảy ra có ổ dịch liên quan tới động vật sống như chó dại, cúm gà… thì chúng ta thực hiện ăn uống chín, không để chó cắn. Tuỳ các dịch mà ta có cách phòng phù hợp.

- Xin chào ông, Giếng nhà tôi bị ngập nhưng nước lũ không tràn vào miệng giếng, nước giếng vẫn rất trong, chúng tôi có cần khử trùng không hay vẫn sử dụng bình thường? Cảm ơn ông! - (Đỗ Khắc Nhung, Hà Tĩnh)

Ông Dương Chí Nam: Nếu giếng bị ngập nhưng nước lụt không tràn vào giếng, nước giếng trong thì vẫn phải khử trùng trước khi sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì thau rửa và khử trùng ngay để sử dụng.

- Khu vực tôi sống vẫn thiếu nước sạch trầm trọng, chúng tôi tự lọc nước để sử dụng. Tuy nhiên việc vệ sinh cá nhân vẫn dùng nước chỉ thau rửa phèn chua cho trong, điều này có thể mắc các bệnh đi kèm khác không thưa ông? - (Lưu Tuấn (tuanhl..@gmail.com)

PGS Trần Đắc Phu: Như tôi đã nói, bạn có việc lọc nước và thực hiện ăn chín uống sôi đã là điều rất tốt. Còn chúng ta phải có các nước phụ vụ cho sinh hoạt nên việc sử dụng phèn chua làm trong nước cũng là một trong những giải pháp tốt để hạn chế các nguồn bệnh do nấm. Nhưng nếu như chúng ta có Cloramin B để sau khi làm trong nước bằng phèn lại khử khuẩn được thì càng tốt để phòng các bệnh lây nhiễm, bệnh do nấm và phòng được cả bệnh do vi khuẩn, virus.

Khi ta sử dụng nước sạch thì nước đó vừa phải có độ trong, không còn chất bẩn cơ học nhưng cũng phải đảm bảo không còn vi khuẩn gây bệnh. Tuỳ theo điều kiện này chúng ta có thể áp dụng được cơ bản hoặc tối đa các biện pháp giải quyết nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt.

- Ông có khuyến cáo gì với người dân về các biện pháp phòng chống và đảm bảo được nguồn nước an toàn trong mưa lũ nhất là thời điểm khắc phục bão lũ sau bão chồng bão? - (Lê Khánh An, Mỹ Đình, Hà Nội)

Ông Dương Chí Nam: Để chuẩn bị cho cơn bão mới đang đổ bộ vào nước ta, Bà con cần chủ động chuẩn bị các phương tiện dụng cụ để dự trữ nước sạch sử dụng đủ cho các thành viên trong gia đình.

Dự trữ sẵn nước uống đóng chai, lương thực, thực phẩm và chất đốt để có thể sử dụng trong trường hợp mưa lũ kéo dài. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

Dự trữ sẵn phèn chua, hoá chất khử trùng nước; chuẩn bị xô/thùng để xử lý nước khi cần. 

{keywords}
 

- Nguồn nước nhà tôi bị ảnh hưởng nặng. Dù chúng tôi được hướng dẫn thau rửa giếng và khử trùng. Hiện tại chúng tôi vẫn dùng phèn chua để nước làm trong. Nguồn nước này có sợ lây nhiễm bệnh không thưa ông? - (Nguyễn Thị Nhung – Quảng Bình)

PGS Trần Đắc Phu: Các bạn biết, người ta vẫn dùng phèn chua để xử lý nước trong bão lụt bởi vì phèn chua có tác dụng làm trong nước. Tuy nhiên, phèn chua không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy, sau khi chúng ta dùng phèn chua làm trong nước thì cần dùng Cloramin B vào, kết hợp cả hai biện pháp để khử trùng.

Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn về sử dụng liều lượng Cloramin B và hướng dẫn làm sạch nước trong bão lũ. An toàn nhất vẫn là khử trùng bằng Cloramin B hoặc viên khử trùng nước thì mới đảm bảo vô trùng.

Hiện nay, tôi được biết các cán bộ y tế ở địa phương đều có hướng dẫn cho người dân, thậm chí họ hướng dẫn trực tiếp tại nhà để làm tốt việc vệ sinh nguồn nước.

-Gần đây nhà tôi xuất hiện nhiều muỗi dù phun thuốc khử trùngcloramin B nhưng vẫn còn muỗi xuất hiện, tôi đọc trên mạng nghe nói nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn còn. Mong ông chia sẻ giúp chúng tôi cách xử muỗi. Xin cảm ơn! (bạn đọc Diệu Thúy – Hải Hưng, Quảng Trị)

PGS Trần Đắc Phu: Cảm ơn bạn quan tâm tới điều này vì hiện nay miền trung, các tỉnh ven biển Duyên hải miền trung thì dịch SHX vẫn đang lưu hành và lây lan. Tuy nhiên, cloramin B chỉ là hoá chất khử khuẩn, vi khuẩn, tẩy uế ô nhiễm môi trường, xử lý xác xúc vật, khu vệ sinh, các khu nhiễm khuẩn, nhiễm trùng chứ Cloramin B không diệt được muỗi. Nếu muốn diệt muỗi phải sử dụng các hoá chất Deltamethrin, Permethin… đây là những hoá chất mà chúng ta diệt côn trùng, đặc biệt dùng phun hoá chất diệt muỗi truyến sốt xuất huyết.

Ngoài ra, bạn có thể dùng hương muỗi, nhang muỗi, dùng các chất đốt lên để hun muỗi như bồ kết, sả khi chưa có điều kiện có hoá chất diệt muỗi. Nếu có điều kiện, khu vực nào khô chúng ta nên mặc áo dài tay, màn chống muỗi. Tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình. Bản thân muỗi sốt xuất huyết liên quan tới các dụng cụ chứa nước, nước đọng trong dụng cụ chứa chất thải, dụng cụ chứa nước mưa. Muỗi gây sốt xuất huyết không đẻ ở ao tù, nước đọng, chỗ ngập lụt.

-Trong mùa mưa lũ vừa qua, rất nhiều bệnh viện ở miền Trung bị ngập lụt nặng, việc khử trùng đảm bảo dịch bệnh đối với các bệnh viện này được Bộ Y tế chỉ đạo như thế nào?

Về việc này, Cục đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh để hướng dẫn, chỉ đạo. Việc xử lý môi trường, khử trùng tại các cơ sở y tế về cơ bản với nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Ngoài ra các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý chất thải y tế theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý chất thải y tế; Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của BCĐ Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch COVID-19.

- Bố mẹ tôi ở Minh Hoá, Quảng Bình, hiện tôi đang học ở Hà Nội nhưng tôi rất lo lắng cho  gia đình mình. Mẹ tôi nói nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó nhưng vẫn chỉ làm sạch bề mặt còn môi trường xung quanh ô nhiễm còn rất nhiều. Các hộ gia đình như chúng tôi phải làm gì để đảm bảo diệt sạch vi khuẩn, nấm mốc sau bão lũ - (Nguyễn Thị Hà – Minh Hoá, Quảng Bình)

Ông Dương Chí Nam: Ngoài việc làm sạch bùn đất trên sàn nhà, ngoài sân, đường đi, chúng ta cần lưu ý phải lấp các vũng nước đọng, hoặc khơi thông vũng nước, dòng chảy để tránh ứ đọng, ngập nước kéo dài, thu gom rác và phát quang bụi rậm quanh nhà. Vì nếu không sẽ dễ tạo môi trường ẩm thấp, đọng nước thuận lợi cho ruồi, muỗi và các loại côn trùng có điều kiện phát triển, truyền bệnh.

{keywords}
 

- Hiện gia đình tôi đã có nước đóng bình nhưng so với nhu cầu thì số lượng này chưa đáng kể và có thể gây ra dịch tả, thương hàn, viêm gan A. Theo ông người dân miền Trung có cần tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh này không? - (Nguyễn Diệu Hằng – thành phố Đông Hà, Quảng Trị) 

PGS Trần Đắc Phu: Hiện nay bạn đã có nước sạch đóng chai để phòng chống các bệnh liên quan tới tiêu hoá đây là rất tốt. Nhưng số lượng này không lớn. Người dân cần nhiều nước sạch khác cho ăn uống, sinh hoạt tắm rửa nên có thể bạn vẫn phải tìm kiếm nguồn nước sạch khác như dùng nước đã làm trong và khử khuẩn, nước mưa để thay thế nước đã bị ô nhiễm.

Cũng có bệnh tật không phải lây theo nguồn nước nên không thể coi phòng bệnh an toàn khi đã chuẩn bị nước sạch.

 Ví dụ như bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh do côn trùng truyền. Chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp như giữ ấm cơ thể, không để muỗi đốt…

Còn vấn đề tiêm phòng, đây là một trong những vấn đề quan trọng. Khi các bạn đã trải qua lũ lụt thì bản thân vùng đó cũng có nguy cơ xảy ra dịch dù đã có vắc xin tiêm chủng như sởi, bạch hầu, ho gà…Đặc biệt miễn dịch đã yếu đi nên việc tiêm phòng rất cần thiết.

Đối với việc tiêm phòng cho người dân không trong chương trình tiêm chủng mở rộng bạn nên theo hướng dẫn của cơ sở y tế địa phương. Thương hàn hiện nay chúng ta có thể tiêm vì có vắc xin. Bệnh này lây qua đường tiêu hoá liên quan tới môi trường bị ô nhiễm như không có nhà vệ sinh, phóng uế bữa bãi. Nhưng theo tôi nếu ở đó có nguồn bệnh thì nên tiêm.

- Nhà tôi sử dụng nước giếng khơi, dù đã có nắp đậy ngăn rác nhưng lụt ngập cả giếng và bể nước dự trữ. Nhà tôi đã thau giếng và bể. Tôi có cần mua cloramin B về đổ xuống giếng hay phèn chua? Việc sử dụng các hoá chất này có ảnh hưởng tới sức khoẻ không? - (Hoàng Thị Min – Quảng Trị)

Ông Dương Chí Nam: Nếu đã thau giếng và bể thì bác có thể sử dụng hoá chất Chloramin B để khử khuẩn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trước tiên bà cần sử dụng phèn chua để làm trong nước, sau đó mới dùng hoá chất Chloramin B theo liều lượng hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo nước được khử khuẩn đạt yêu cầu và đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khoẻ.

- Trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn chín, uống sôi đã đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa thưa ông? (Vũ Hồng Vân – Baovan798@gmail.com)

Ông Dương Chí Nam: Thức ăn được nấu chín đúng cách và nước uống đun sôi ít nhất 5 phút là đảm bảo an toàn.

- Chúng tôi kêu gọi bạn bè cùng nhau quyên góp và muốn mua các loại hóa chất, thuốc dự phòng để giúp bà con sau khi lũ rút. PGS Phu chia sẻ giúp chúng tôi các loại thuốc bà con vùng lũ cần bây giờ nhất? - (Lê Ngọc Châu - Long Biên, Hà Nội)

PGS Trần Đắc Phu: Theo tôi hiện nay ở Việt Nam chúng ta có các loại hoá chất xử lý nước, xử lý môi trường được cấp phép bởi Bộ Y tế. Hơn nữa,  chúng tôi biết được trong thời gian qua Chính phủ đã xuất các dự trữ hoá chất để người dân sử dụng. Nếu nhóm của bạn muốn mua thêm có thể mua hoá chất khử khuẩn nước phổ thông vẫn là cloramin B, Aquatabs, các hoá chất diệt muỗi… Cái này các bạn có thể mua tại các cơ sở vật tư y tế.

Ngoài ra, người dân cần các thuốc điều trị nấm, thuốc đau mắt đỏ, thuốc nhỏ mắt… các bạn có thể tìm mua tại các công ty dược, hiệu thuốc.

- Xung quanh nhà tôi dù nước đã rút nhưng vẫn rất hôi và tanh, xin ông hướng dẫn cách làm thế nào để khử mùi và làm sạch môi trường? - (Phạm Văn Minh Hải, Triệu Phong, Quảng Trị)

Ông Dương Chí Nam: Nếu nước đã rút, gia đình bác cần dọn, đẩy hết bùn đất ra khỏi nhà, sân vườn và đường đi quanh nhà, lấp vũng nước đọng, phát quang bụi rậm. Nếu vẫn hôi tanh, bác có thể mua vôi bột rắc lên những chỗ hôi, ẩm ướt vì vôi bột có tác dụng hút ẩm, khử trùng và khử mùi hôi rất tốt.

- Hiện vẫn chưa thể nói được khả năng miền Trung còn ảnh hưởng bởi lũ nữa hay không? Vậy các trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh bị ảnh hưởng lũ lụt cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như thế nào để ứng phó với tình trạng lũ chồng lũ? Xin cảm ơn ông!                                     

PGS Trần Đắc Phu: Các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh có nhiệm vụ giải quyết các dịch bệnh khi có dịch xảy ra. Đồng thời các trung tâm này cũng chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch trong cộng đồng ngay cả trước khi có lũ, trong thời gian lũ xảy ra và sau lũ.

Thứ nhất: Phải thực hiện việc giám sát dịch bệnh, có những ca bệnh nào phải phát hiện xử lý kịp thời.

Thứ hai: Triển khai các biện pháp phòng chống dịch

Thứ ba: Tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch

Thứ Tư: Làm tốt các biện pháp tiêm chủng mở rộng. Tôi nghĩ chúng ta cần nhanh chóng giải quyết cơ sở vật chất, ưu tiên cho việc này. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện vật chất, thuốc men, con người để giúp đỡ người dân trên địa bàn.

Thứ năm: Dự báo những nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra để có các biện pháp dự phòng thích hợp trên cơ sở dự báo của diễn biến môi trường.

Hiện nay các cơ sở dự phòng còn có cả nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em. Tôi nghĩ các địa phương cần thống kê các phụ nữ mang thai để không có trường hợp đẻ rơi, tai nạn khi đi đẻ như trường hợp đã xảy ra ở Huế vô cùng đáng tiếc. Cần tuyên truyền cho người dân về suy dinh dưỡng. Thống kê người già, người mắc bệnh mãn tính để có sơ tán, cấp cứu kịp thời trước khi có cơn bão mới xảy ra.

-Tôi là một giáo viên, từ khi xảy ra bão lũ trường của chúng tôi đã nghỉ 24 ngày. Chúng tôi thực sự lo lắng cả về chậm trễ chương trình học tập cho các con em khi quay trở lại trường nhưng cũng lo lắng việc đảm bảo vệ sinh môi trường an toàn nhất để mở cửa trở lại. Trạm y tế địa phương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều nhưng thực sự tôi vẫn chưa cảm thấy an tâm. Xin hỏi ông, việc vệ sinh môi trường, nguồn nước ở một cơ sở tập thể cần làm gì để hiệu quả nhất? (Lê Hương Mai – Hải Lăng, Quảng Trị)

Ông Dương Chí Nam: Việc vệ sinh môi trường sau bão lụt rất quan trọng để phòng chống dịch bệnh. Trường học cần phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường gồm:

- Nước rút đến đâu làm vệ sinh phòng học và môi trường xung quanh đến đó, vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đẩy được bùn đất, phù sa ra khỏi phòng học, hành lang, sân trường và đường đi…

 - Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác gia súc, gia cầm vật chết và tẩy uế theo hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo vệ sinh.

 - Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu trường học. Trường hợp nếu nhà tiêu của trường học bị hỏng nặng, trong thời gian chờ xây, sửa nhà tiêu thì cần chọn tạm nơi cao ráo xa trường học, xa giếng nước (ít nhất 20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân.

- Không chỉ dịch bệnh truyền nhiễm, trong bão lũ vẫn còn hiện hữu các nguy cơ cấp cứu khẩn cấp như sạt lở, điện giật, cây đổ… Theo ông các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích như thế nào? - (Nguyễn Thị Vân -Thừa Thiên Huế)

PGS Trần Đắc Phu: Bão lũ luôn đi đôi với nguy cơ tai nạn thương tích. Trong thời gian qua còn xảy ra chết người vì vậy song song với phòng dịch thì cần tuyên truyền người dân các biện pháp phòng như tránh xa khu vực có khả năng sạt lở, cây đổ, các tường nhà nguy hiểm…

Khi bão lũ có thể người dân phải tiếp xúc với môi trường dễ bị chấn thương như điện giật, ngã cây, ngã từ mái nhà.. vì vậy cần hết sức cẩn thận. Đặc biệt, liên quan tới điện và nước rất dễ gây điện giật. Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng chống tai nạn thương tích xảy ra khi bão lũ đến.

Vì thế, địa phương cần tuyên tuyền phòng bão lũ che chắn nhà cửa mà còn phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các khu vực, yếu tố nguy cơ có thể gây thương tích trong bão.

Chúng ta có thể phải dự báo nguy cơ. Ví dụ khi Tôi vào Nha Trang, ở một bệnh viện trong đó có cây rất to gần đổ. Bệnh viện đã sơ tán hết người bệnh, người dân quanh khu vực gần dân và dự báo đúng yếu tố nguy cơ này đã tránh được rất nhiều thương vong khi cây đổ.

- Mưa lũ thường gây ra những tác động xấu đến môi trường sống và sức khỏe con người. Theo ông cần có biện pháp phòng chống dịch bệnh dài hạn như thế nào đối với dải đất miền Trung? - (Phương Hoa - Đà Nẵng)

PGS Trần Đắc Phu: Trước tiên qua lũ lụt miền trung vừa rồi tôi nghĩ rằng các ngành cần rút kinh nghiệm đưa ra bài học, giải quyết các ảnh hưởng, tác hại của bão lụt cho những đợt bão lụt tiếp theo. Chắc chắn, miền Trung còn gánh chịu nhiều lũ lụt xảy ra vì vậy cần rất nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh.

Thứ nhất: Nghiên cứu giải quyết hướng dẫn người dân phòng chống dịch trước khi có lũ xảy ra. Đặc biệt là cung cấp kiến thức cho người dân, chuẩn bị nguồn lực, vật tư phòng chống dịch bệnh.

Thứ hai: Cần có nghiên cứu, cách giải quyết tình huống khi mà bão lũ xảy ra. Đặc biệt đối với vùng người dân bị cô lập, trong thời gian lụt lội không tiếp cận được với các phục vụ về y tế thì tự họ có thể giải quyết được phòng bệnh như vệ sinh, sử dụng nước sạch, dinh dưỡng, phòng bệnh và tính chịu đựng của cơ thể, phòng chống chấn thương.

Đặc biệt, sau lũ lụt cần vào cuộc và tiếp cận ngay để hướng dẫn địa phương, người dân có các biện pháp phòng bệnh cho đúng, đáp ứng đủ yêu cầu phòng chống dịch của người dân như cung cấp thuốc men, hoá chất, nước sạch. Hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, ăn uống hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh lưu hành. Thực hiện tiêm chủng… nói tóm lại công tác phòng chống dịch với lũ lụt chúng ta phải thực hiện tốt từ khâu Trước – Trong – Sau khi lũ lụt. Càng hạn chế bị động bao nhiêu thì càng tốt.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng mỗi người dân phải là một thành viên hiểu biết nhất về phòng chống dịch bệnh khi lũ lụt xảy ra và phải có sự chuẩn bị các giải pháp ngay từ khi mùa bão lụt đến. Khi có bão lụt đến chúng ta không bị động để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây nên. 

Infonet

Hơn 1.400 nhân viên y tế thôn bản được nâng cao kiến thức ứng phó đại dịch

1.011 cán bộ của 27 trạm y tế và 1.412 nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên y tế tại các huyện dự án đã được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản để ứng phó với đại dịch.

Mua thuốc trực tuyến qua ứng dụng VNeID

Người dân sẽ dễ dàng mua thuốc trực tuyến an toàn, tiện lợi thông qua giải pháp kết nối app-to-app giữa ứng dụng Nhà thuốc Long Châu và VNeID.

1.300 bệnh nhân khó khăn được Vinamilk hỗ trợ mổ tim và mổ mắt

Vinamilk tiếp tục phối hợp với Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM hỗ trợ mổ tim cho hơn cho 300 bệnh nhi mắc dị tật tim bẩm sinh và gần 1.000 bệnh nhân nghèo cần được phẫu thuật mắt.

Thái Bình: nâng cao kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ và bé

Vinamilk phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé”, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sự kiện thu hút 300 phụ nữ tại Thái Bình tham gia.

Những tiến bộ của y học tái tạo cơ xương khớp

'Y học tái tạo', 'ứng dụng tế bào gốc' trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp là chủ đề của Hội nghị Khoa học thường niên – Hội Thấp khớp học Thái Nguyên TRA 2024.

Sữa chua uống KUN Men Nhật hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của trẻ

Có đến khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại đường ruột, vì vậy tiêu hóa tốt sẽ giúp bé khỏe. Sữa chua uống KUN chứa chủng men Nhật L-137 (L 137) độc quyền tại Việt Nam hỗ trợ con tăng cường hệ miễn dịch, khoẻ tiêu hoá.

Chung kết cuộc thi: 'Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh'

Ngày 9/8, tại Hà Nội diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” giữa các cán bộ tại các trạm y tế của các xã, phường, thị trấn.

Vinamilk bắt tay các đối tác y tế lớn đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng Hệ thống trung tâm tiêm chủng vắc xin Việt Nam (VNVC) và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vừa ký hợp tác chiến lược, hướng đến nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc kết hợp giữa chăm sóc y tế và dinh dưỡng.

Nâng mũi giống 'thần tiên tỷ tỷ', cô gái khẩn cầu bác sĩ 'trả về nguyên bản'

Có khuôn mặt ưa nhìn gần như không điểm 'chết' nhưng cô gái Hà Thành vẫn quyết tâm đi nâng mũi giống thần tiên tỷ tỷ ở Trung Quốc - trào lưu đang rầm rộ trên mạng. 6 tháng sau, cô gái tìm gặp TS. Tống Hải khẩn cầu bác sĩ 'trả về nguyên bản'.

Nửa thế giới ăn cơm đều đặn có tốt cho sức khỏe?

Là lương thực chính của hơn 3,5 tỷ người trên thế giới, hiếm có loại thực phẩm nào được ưa chuộng rộng rãi như gạo. Người dân nhiều nước như Việt Nam còn ăn cơm hằng ngày.

Đang cập nhật dữ liệu !