Hoà Bình: Giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, giả, tăng cường kiểm soát hàng hoá Tết
Giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả
Để giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng nhái,… Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình đã tổ chức gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả tại Hội chợ công thương khu vực phía Bắc – Hòa Bình 2022.
Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm... vẫn tồn tại, gây bức xúc cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, nhất là các trường hợp vi phạm thương mại điện tử chưa được kiểm soát và xử lý hiệu quả.
Tại hội chợ công thương khu vực phía Bắc – Hòa Bình 2022, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình tổ chức gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả tại Hội chợ từ ngày 25/12 đến 31/12/202 nhằm giúp cho người tiêu dùng tiếp cận, nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Theo đó, các mặt hàng trưng bày gồm có: Phụ tùng xe máy, bóng đèn, máy tính cầm tay, bàn chải đánh răng, mũ bảo hiểm các loại, giày dép, quần áo, sơn, bột giặt, giấy vệ sinh… đặc biệt là trưng bày hàng thật – hàng giả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày như mỳ chính, hạt nêm…
Tại đây, người tiêu dùng đến tham quan tại gian hàng được cán bộ của Hội Và Cục QLTT tỉnh Hòa Bình tư vấn, hướng dẫn, thông tin về cách phân biệt hàng thật, hàng giả.
Chị Lê Hạnh (TP Hoà Bình) cho biết, “tôi đi hội chợ và ghé qua gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả và rất thích. Tại đây tôi mới biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, cách nhận biết giữa hàng thật với hàng giả như thế nào nhờ đó sau này mỗi lần đi chợ hay đi mua hàng tôi sẽ áp dụng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Theo Hội tiêu dùng tỉnh, thông qua việc tổ chức gian trưng bày hàng thật, hàng giả tại hội chợ đã tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ cho người tiêu dùng cũng như kỹ năng trong việc lựa chọn mua được hàng hoá đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phù hợp với khả năng của mình, hạn chế việc bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng hóa nhất là trên sàn thương mại điện tử hay trên các trang mạng xã hội.
Trước đó, vào tháng 3/2022, tại huyện Đà Bắc, lực lượng chức năng của tỉnh và huyện đã đến chợ trung tâm xã Tân Pheo phát tờ rơi, đồng thời tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Tại đây, người tiêu dùng đã được tư vấn và giải đáp, đặc biệt là việc nhận biết, phát hiện, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tiếp đó, vào giữa tháng 6/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hoà Bình, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Kim Bôi, UBND xã Tú Sơn tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chợ Bãi Chạo.
Tại đây, người dân và các cơ sở kinh doanh được tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được tư vấn chính sách và các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tư vấn cách thức tiêu dùng thông minh và cấp phát hơn 600 tờ rơi, tờ gấp cho người dân địa phương về các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền lợi, nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ.
Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn người tiêu dùng trong việc nhận biết, phát hiện, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Tuyên truyền, vận động người dân và các cơ sở kinh doanh tại chợ Bãi Chạo cũng như các tổ chức, cá nhân trên địa bàn chấp hành tốt quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn trực tiếp đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức về quyền lợi của người tiêu dùng và trách nhiệm trong việc thực thi các quyền bảo vệ người tiêu dùng cho người dân địa phương trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị đời sống cho người dân.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình cho biết, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phát trên 4.200 tờ rơi tuyên truyền về quyền lợi người tiêu dùng tại các huyện, thành phố.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá Tết
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa không đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, đặc biệt là trong việc mua sắm hàng hóa, thực phẩm đón Tết.
Tại các chợ ở khu vực TP Hòa Bình, trung tâm các huyện và cả các phiên chợ vùng cao, hàng quán vùng nông thôn, thời điểm này hàng hóa phục vụ nhu cầu sắm Tết đã bắt đầu được bày bán khá phong phú về chủng loại và nhiều mức giá. Đây là thời điểm dễ có nguy cơ xảy ra tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, các cơ quan chức năng tại các địa phương trong tỉnh đã phối hợp kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có cơ hội xuất hiện trên thị trường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình Trương Thanh Sơn, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn, Cục Quản lý thị trường đã ra quân các đợt cao điểm kiểm tra, quản lý thị trường trên các địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên cập nhật, rà soát, giám sát để nắm chắc diễn biến thị trường, đối tượng, phương thức, biểu hiện vi phạm.
Thời điểm này cũng là lúc nhu cầu mua sắm đón Tết của người dân tiếp tục tăng cao, do đó, lực lượng Quản lý thị trường và các ngành, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh buôn bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đồ gia dụng, thuốc tân dược, vật tư y tế… tại các cơ sở, đại lý. Qua đó nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, đầu cơ, găm hàng, tăng giá… góp phần giúp người dân đón Tết Nguyên đán an toàn và tiết kiệm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra và phối hợp kiểm tra 1.147 vụ, xử lý vi phạm 158 vụ, tổng số tiền phạt trên 400 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 34 triệu đồng. Trong đó có 2 hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 25 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá; 15 hành vi vi phạm các điều kiện trong sản xuất kinh doanh.
Hải Yến