Những đồ chơi Trung thu gắn liền thế hệ 8x-9x, nếu có đủ, tuổi thơ của bạn thật giàu có
Đây đều là những món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của những người thuộc thế hệ 8x và 9x đời đầu. Nhìn lại có lẽ ai cũng thấy bồi hồi nhớ về những ngày tháng đã cũ.
Đèn ông sao
Nhắc đến Trung thu là không thể không nghĩ tới những chiếc đèn ông sao đỏ rực rỡ. Đây được coi là một món đồ chơi truyền thống vẫn còn được bán rộng rãi cho đến ngày nay. Đèn ông sao có hình ngôi sao 5 cánh, bên trong có gắn một cái đinh để cắm nến và thắp sáng. Đèn ông sao lấp lánh ánh sáng trông cực kỳ bắt mắt và chắc hẳn tuổi thơ ai cũng từng cầm chiếc đèn này đi phá cỗ, rước đèn cùng chúng bạn.
Đến giờ, dù có nhiều loại đèn lồng hiện đại nhưng đèn ông sao vẫn là món đồ chơi được trẻ con ưa thích mỗi dịp Trung thu.
Đèn kéo quân
Cùng với đèn ông sao, đèn kéo quân cũng là một trong những món đồ chơi truyền thống mỗi dịp Tết Trung thu ở Việt Nam. Tuy nhiên, đèn kéo quân có phần “xa xỉ” hơn một chút vì nó “hoành tráng” và đắt tiền hơn đèn ông sao nhiều.
Đèn kéo quân là loại đèn khá độc đáo được làm bằng giấy bọc quanh một chiếc khung bằng tre. Xung quanh trục đèn có những vòng trụ giấy dán hình người, thú, cảnh vật… gọi là các tầng đèn. Thông thường, đèn kéo quân sẽ có từ 4-5 tầng đèn. Khi chơi sẽ thắp 1 cây nến bên trong và điều kỳ diệu là các hình người, thú vật sẽ bắt đầu xoay chuyển.
Thú vị nhất là sẽ có người kể lại các câu chuyện với những nhân vật xoay trong chiếc đèn. Nhờ vậy mà đèn kéo quân là một món đồ chơi ẩn chứa rất nhiều điều kỳ diệu đáng yêu.
Đèn cù
Phổ biến rộng rãi không kém là những chiếc đèn cù (hay còn gọi là đèn ông sư). Chiếc đèn này được làm với những mẩu giấy bóng kính đủ màu sắc, tạo hình như một cái mũ hòa thượng (vì vậy mới có tên là “đèn ông sư”). Khi cầm cái cán dài đẩy đi đẩy lại, đèn sẽ quay như cái cù (nên mới gọi là “đèn cù”).
Chiếc đèn này cũng có chỗ để cắm nến ở giữa. Khi đẩy đèn sẽ tỏa ra ánh sáng lấp lánh trông rất huyền ảo và thích mắt.
Đầu lân sư tử
Cách rằm Trung thu khoảng 7 - 10 ngày, khắp đường khắp phố sẽ bắt đầu nghe tiếng trống tiếng chiêng rộn ràng, và theo đó sẽ là màn múa lân “nghiệp dư” của những đứa trẻ nhỏ trong khu phố. Vì thế mà đầu lân sư tử là một món đồ chơi không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu.
Những chiếc đầu lân này được làm bằng song và tre, bên ngoài được bồi bằng giấy và vẽ màu sắc lên. Ngày nay, đầu lân sư còn được gắn cả đèn nhấp nháy để sinh động và bắt mắt hơn.
Mặt nạ nhựa
Cứ đến dịp Tết Trung thu là mọi đứa trẻ lại háo hức đi chọn cho mình một chiếc mặt nạ nhựa. Mặt nạ nhựa có đủ nhân vật “hot” nhất ngày ấy là thủy thủ mặt trăng, tôn ngộ không, siêu nhân,... Mọi đứa trẻ đều mong muốn được biến hóa thành những nhân vật này rồi cùng lũ bạn rước đèn phá cỗ.
Mặc dù giờ đây đã có nhiều loại mặt nạ hơn nhưng những chiếc mặt nạ này vẫn là một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của nhiều người.
Trống bỏi
Đi chơi Trung thu có lẽ ai cũng nghe thấy những tiếng “tạch, tạch, tạch” vô cùng đặc trưng. Đó là âm thanh phát ra từ những chiếc trống bỏi bé bé xinh xinh.
Trống bỏi có nguồn gốc từ làng Báo Đáp (Nam Định) là thứ đồ chơi dân dã, rẻ tiền nhưng vô cùng thân thiện. Chỉ với một chút đất sét, cán gỗ, que sắt, giấy hồng và dây nilon là đã có thể hoàn thiện được một chiếc trống bỏi.
Theo phunuvietnam.vn
Cách bày mâm cỗ Trung thu truyền thống đẹp lung linh
Mâm cỗ Trung thu quan trọng bậc nhất trong ngày rằm tháng 8, bởi vì tất cả trẻ em đều háo hức chờ đợi để được phá cỗ trông trăng. Cách bày biện mâm cỗ Trung thu truyền thống đẹp mắt giúp ngày Tết thiếu nhi thêm niềm vui.