Ngành nào hot nhất ĐH Ngoại thương năm 2020?
Bấy lâu nay, trường ĐH Ngoại thương vẫn được coi là “thánh địa” của những học sinh siêu giỏi. Để có được tấm vé vào ĐH Ngoại thương là chuyện không hề đơn giản.
Năm nay, ngành nào hot nhất tại Ngoại thương? Ngành Kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế của ĐH Ngoại thương đào tạo khác nhau như thế nào?...
PGS. TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương sẽ có những giải đáp thắc mắc với thí sinh về công tác tuyển sinh 2020 của nhà trường.
PV: Xin cô cho biết hiện nay ngành học nào hot nhất tại Ngoại thương?
PGS. TS Phạm Thu Hương: Điểm chênh lệch giữa các ngành của ĐH Ngoại thương rất ít, khoảng cách chênh lệch rất thấp khoảng 0,25 điểm. Qua các năm, tất cả các ngành của ĐH Ngoại thương đều tuyển sinh với số dư so với nguyện vọng. Nếu nói ngành nào đó hot hơn các ngành còn lại thì khó.
ĐH Ngoại thương, “thánh địa” của những học sinh siêu giỏi. (Ảnh minh họa) |
PV: ĐH Ngoại thương nhiều ngành có tên giống nhau Kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế, kinh tế của Ngoại thương. Làm sao để phân biệt các ngành này, thưa cô?
PGS. TS Phạm Thu Hương: Giải thích góc độ chuyên môn thì rất phức tạp. Nói thế này cho dễ hiểu, nếu chúng ta nhìn nền kinh tế dưới góc độ tổng thể và cụ thể với các hoạt động. Với kinh doanh, đó là những chuỗi hoạt động để làm sao đưa được sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng. Còn kinh tế rộng hơn, nhìn mối quan hệ cung cầu. Như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy sự khác biết giữa kinh tế với kinh doanh.
Còn với trường Ngoại thương, do cách tiếp cận của trường với mục tiêu đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực với các vị trí việc làm cụ thể, nếu nhìn vào chương trình đào tạo, ngành kinh tế quốc tế thì tỷ lệ môn học kinh tế cao hơn chiếm khoảng hơn 75% tổng số môn học. Đó là nhìn dưới góc độ tổng thể.
Với kinh doanh thì ngược lại là nhìn góc độ cụ thể 75% là các môn kinh doanh/ tổng số môn học. Kinh tế đối ngoại thì 50% từ góc độ quản lý, 50% góc độ từ nhà kinh doanh. Tùy vào mong muốn, nguyện vọng nghề nghiệp thì có thể lựa chọn nghiên cứu sâu hay nghiên cứu chính sách về kinh tế hay trở thành các doanh nhân. Nếu sinh viên mong muốn thành doanh nhân thì lựa chọn kinh doanh. Còn nếu muốn làm đa năng vừa làm chính sách vừa làm kinh doanh thì chọn kinh tế đối ngoại.
Với chương trình đào tạo của nhà trường thì thí sinh yên tâm là quan điểm của nhà trường là có làm chính sách chúng ta vẫn phải hiểu hoạt động trong đó thế nào nên phải có kiến thức về kinh doanh và nếu chúng ta nghiên cứu kinh doanh thì phải hiểu chúng ta đang ở đâu, trong môi trường nào nên chúng ta cũng phải hiểu kiến thức kinh tế.
Tôi cũng từng gặp nhiều câu hỏi, tại sao học chương trình này xong lại có thể làm được mảng mà trước đây chưa bao giờ nghĩ là mình làm. Đó cũng chính là triết lý của nhà trường: Chúng tôi tạo nên nền tảng để các em có thể phát triển rộng và sâu hơn sau khi tốt nghiệp.
PV: Có thể thấy, hàng năm, tỷ lệ thí sinh chọn ngành kinh tế đối ngoại rất lớn. Tại sao ngành này lại "hot" vậy thưa cô?
PGS. TS Phạm Thu Hương: Ngành đầu tiên mà ĐH Ngoại thương đào tạo sau khi thành lập là kinh tế đối ngoại. Dần dần, ngành kinh tế đối ngoại được xây dựng truyền thống qua các năm, luôn luôn tiếp thu những cái mới, chất lượng giảng dạy không ngừng nâng lên nên ngành này chưa bao giờ bị mất đi độ hot. Nhưng nếu các em nhìn vào kết quả tuyển sinh thì có nhiều ngành của ĐH Ngoại thương cũng không kém gì độ "hot" so với kinh tế đối ngoại.
Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!
Hoàng Thanh