Kinh nghiệm 'xương máu' tìm nhà trọ cho sinh viên năm nhất
Dưới đây là những kinh nghiệm tìm nhà trọ của các sinh viên gửi tới các bạn năm nhất, mong các bạn không rơi vào tình cảnh "bỏ của chạy lấy người".
Đối với những tân sinh viên lần đầu chân ướt chân ráo lên thành phố thì việc tìm được một nơi ở phù hợp là vô cùng quan trọng.
Trrên thực tế hiện nay, phân khúc nhà trọ dành cho sinh viên hay những người có thu nhập thấp rất nhiều nhưng đi kèm là những vấn đề rắc rối khác mà những sinh viên chưa có kinh nghiệm rất dễ gặp phải như bị lừa tiền, điều kiện sinh hoạt kém, chủ nhà quá khó tính, các loại phí điện nước cao....
Ảnh minh họa |
Nói về kinh nghiệm thuê nhà trọ, bạn Nguyễn Minh Anh (quê Thái Bình) - sinh viên năm thứ 2 Đại học Thương Mại chia sẻ: “Tất cả các điều khoản các bạn nên yêu cầu ghi rõ trong hợp đồng, kể cả việc tăng giá thuê theo lộ trình thế nào hay cam kết không tăng giá.
Hồi đầu năm nhất mình chân ướt, chân ráo lên Thủ đô cứ nghe thấy bác chủ nói “ở đây ai bác cũng quý như con cháu trong nhà, đứa nào mất trật tự là bác nhắc ngay" nên mình yên tâm.
Thế nhưng, thuê được hơn tuần thì không thể chịu nổi vì chính con bác chủ nhà dẫn bạn về chơi bài thâu đêm suốt sáng, âm thanh ầm ĩ khiến mình mất ngủ cả đêm.
Lúc đến thì vui vẻ nhưng lúc muốn chuyển đi thì bác ấy kiếm hết cái bóng đèn hỏng đến ổ điện rơi để bắt đền và lấy hết số tiền cọc của mình".
Những xóm trọ giá rẻ dành cho sinh viên, người lao động. |
Bạn Thái Hà (quê Nam Định) cũng trải qua tình cảnh "bỏ của chạy lấy người" trong lần đầu thuê trọ ở Thủ đô. Gia đình Hà khá giả nên mỗi tháng cho con 5 triệu đồng tiền sinh hoạt phí. Cô bạn liền rủ thêm người bạn thân cùng thuê một phòng trọ sạch sẽ rộng khoảng hơn 20m2 có sẵn nội thất vừa đảm bảo thẩm mỹ lại vừa đảm bảo an toàn. Thế nhưng họ chỉ ở đây được 3 tháng.
“Lời khuyên của mình là các bạn đi thuê trọ đừng ham mấy cái phòng trọ mà có sẵn nội thất, có thì phải kiểm tra kĩ, chụp hình lại trước khi vào ở.
Như mình, vừa vào thuê, cũng ký hợp đồng hư hỏng nội thất trong phòng thì phải đền nhưng ở được gần 1 tháng thì mình phát hiện nội thất đồ gỗ trong nhà đều hư hỏng cả.
Tủ quần áo làm bằng chất liệu mùn cưa ép lại nên để trong môi trường ẩm thấp sẽ bị mủn ra, các vết dán bung ra. Khi gọi chủ nhà đến báo hiện trạng thì bọn mình lại phải đền chiếc tủ 3 triệu dù mới ở 1 tháng và chưa dùng mấy”, Hà kể.
Lời khuyên của nữ sinh này cho các bạn tân sinh viên là hãy nhờ người quen xung quanh tìm kiếm và giới thiệu chỗ ở, bởi vì họ ít nhiều gì cũng có những trải nghiệm như khu nào giá rẻ, chủ nhà tốt tính hay an ninh an toàn.
Hà nhắn nhủ: “Đừng biến mình thành chuột bạch khi đi tìm nhà trọ. Hãy tận dụng những mối quan hệ hoặc nhờ những anh chị sinh viên khóa trước tìm giúp.
Ngoài ra, các chi phí đi kèm như phí gửi xe, tiền điện nước, tiền internet, hoặc tiền vệ sinh… đều cần phải được tìm hiểu và thỏa thuận rõ với chủ nhà và thể hiện qua hợp đồng thuê nhà. Điều này giúp bạn tránh được những chi phí phát sinh bất ngờ.
Các bạn sinh viên nên đi xem phòng vào buổi sáng, đi chung với bạn bè hoặc người lớn chứ không nên đi một mình. Quan sát xem chất lượng nội thất trong phòng như thế nào hay cửa sổ và khóa có chắc chắn không, đó có phải khu an toàn không”.
Sinh viên tiêu 5 triệu/ tháng có phải 'khá giả' không?
Một bảng kê chi tiêu mỗi tháng của sinh viên đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng.
Hoàng Thanh