Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng ĐH: Có vi phạm Luật Giáo dục?
Lần đầu tiên một Phó chủ tịch tỉnh ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch tỉnh vào vị trí kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học của tỉnh. Sự việc đang thu hút sự chú ý của dư luận
Thông tin ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025 từ ngày 18/5 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Quyết định công nhận việc kiêm nhiệm do ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh ký ngày 18/5. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học.
Trước vụ việc này, dư luận nhiều chiều cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh không nên ôm đồm thêm chức hiệu trưởng trường ĐH vì nếu không sát sao với công việc hai bên thì sẽ khó điều hành hiệu quả.Ngoài ra việc bổ nhiệm vi phạm Luật Giáo dục Đại học đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm Hiệu trưởng trường ĐH.
Quyết định Chủ tịch UBND tỉnh kiêm hiệu trưởng trường ĐH Hạ Long |
Trao đổi với PV Infonet, báo VietNamNet, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay: “Đó là chuyện khó chấp nhận được. Muốn làm hiệu trưởng trường ĐH phải đáp ứng những tiêu chuẩn riêng như quá trình quản lý trực tiếp trường đó.
Nếu chỉ dùng quyền lực thì khó điều hành có hiệu quả một trường đại học. Bởi lẽ khi người ta có quyền mà không biết việc thì rất nguy hiểm. Không biết cách quản lý thì xử trí từ việc thi cử, tuyển sinh, ứng xử với cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường thế nào? Đó là chưa kể một chủ tịch tỉnh top đầu cả nước về phát triển kinh tế thì công việc không hề ít, thời gian đâu mà sát sao với vị trí hiệu trưởng trường đại học?”.
Đại học Hạ Long |
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nếu việc kiêm nhiệm hiệu trưởng trường ĐH chỉ là hình thức còn chuyên môn có hiệu phó lo thì cũng không nên, vì hiệu trưởng đương nhiên phải là cán bộ cơ hữu của trường ĐH.
Dù sao hiệu trưởng vẫn là người phải chịu trách nhiệm chính, trong trường hợp này về danh nghĩa ông Thắng vẫn là đại diện trước pháp luật của trường ĐH Hạ Long.
Theo Luật giáo dục Đại học, hội đồng trường có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng hay nói thẳng ra hiệu trưởng chỉ là người làm thuê cho hội đồng trường. Việc chủ tịch UBND tỉnh mà lại kiêm nhiệm vị trí hiệu trưởng ĐH Hạ Long thì có gì đó không đúng lắm.
“Chủ tịch tỉnh là quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô cả một tỉnh lại kiêm nhiệm quản lý một trường ĐH chỉ tương đương cấp Sở (có thể nhận được những chính sách hỗ trợ từ UBND tỉnh) thì khác gì ông Thắng vừa đá bóng vừa thổi còi, ôm quá nhiều việc cùng lúc. Đó là biểu hiện sự ham quyền quá mức.
Không thế chấp nhận việc oái oăm này, vì nếu việc này được thông qua sẽ lan ra ra các tỉnh khác, lại tiếp tục những chủ tịch tỉnh khác làm hiệu trưởng.
Đó là chưa kể, việc công nhận kiêm nhiệm hiệu trưởng mà chưa hề có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục đại học là vi phạm Luật Giáo dục Đại học”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.
Còn TS Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT): “Cá nhân tôi cho rằng riêng về thời gian, mỗi vị trí công tác đã yêu cầu phải làm việc đủ giờ hành chính nên rất khó để một người có thể đảm nhiệm cả hai vị trí, nếu như không muốn nói là việc một người thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của cả hai vị trí trên trong suốt nhiệm kỳ là khó khả thi”.
Trao đổi với PV, Hiệu trưởng một trường Đại học tại miền Trung nhận định, xưa nay không có chuyện kiêm nhiệm vậy. Việc chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học của tỉnh trong trường hợp này là vi phạm Luật Giáo dục.
Theo Điều 20 Luật giáo dục Đại học sửa đổi 2018 có quy định rõ: Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học phải có những tiêu chuẩn được quy định như sau: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật; Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Trường hợp cụ thể này, ông Nguyễn Văn Thắng thiếu điều kiện "có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học".
Anh Nguyễn Dũng, một người dân TP.Hạ Long chia sẻ, chúng tôi chỉ muốn tỉnh có có một trường ĐH nổi tiếng về chất lượng giáo dục để con cháu ở đất mỏ có thêm lựa chọn học tập, chứ không hề muốn trường của tỉnh lại được quan tâm vì những chuyện như vậy.
Ông Nguyễn Văn Thắng năm nay 47 tuổi, quê ở Hà Nội, là Tiến sĩ chuyên ngành tài chính - ngân hàng. Trước khi giữ chức Phó chủ tịch rồi làm Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank.
Hoàng Thanh