Giới chuyên gia: Sẽ không có đột phá nào từ Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong -un |
Nhận định trên do chuyên gia Andrey Lankov, giáo sư trường đại học Kookmin của Hàn Quốc, đưa ra.
Đại hội đảng lần đầu tiên trong vòng 36 năm qua của Đảng Lao động Triều Tiên đã được khai mạc vào ngày hôm qua (6/5) tại thủ đô Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vẫn như trước, giới truyền thông thân phương Tây đã không thể tiếp cận được với đại hội này.
Theo khẳng định của đại diện Bộ Ngoại giao Triều Tiên, tổng cộng đã có 180 đại diện của truyền thông nước ngoài đến Bình Nhưỡng để đưa tin về đại hội. Tuy nhiên, trong số này không có đại diện truyền thông đến từ Mỹ, Nhật Bản, Anh, Phần Lan, Hàn Quốc…
Sẽ không có bất cứ đột phá nào
“Sẽ không có bất cứ quyết định mang tính đột phá nào được thông qua trong đại hội này. Quyết định quan trọng nhất có lẽ sẽ là quyết định về việc sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới của đảng, điều đó có nghĩa là chúng ta có thể thấy được các nhân vật mới, các cái tên mới.
Khả năng đưa ra một quyết định mang tính đột phá nào đó về đường lối chính trị là không cao nếu không muốn nói là không có”- giáo sư Lankov bình luận khi trao đổi thông tin với hãng thông tấn Ria Novosti của Nga.
“Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên nói chung là khá bất ngờ. Việc tổ chức đại hội này có liên quan đến chính sách chung của Kim Jong-un. Trên thực tế, chính sách của Kim Jong-un có nhiều điểm khác so với chính sách của ông nội Kim Nhật Thành.
Kim Jong-un cũng nhận thức được rằng, khác với bố mình, ông nội Kim Nhật Thành nhận được sự ủng hộ lớn hơn của người dân Triều Tiên”’- giáo sư Lankov nhận định.
Theo giáo sư Lankov, người dân Triều Tiên “yêu mến và kính trọng lãnh đạo Kim Nhật Thành. Đối với họ, Kim Nhật Thành là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, là người sáng lập ra nước Triều Tiên. Còn Kim Jong-un không nhận được sự ủng hộ của người dân Triều Tiên vì dưới thời Kim Jong-un, mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng bất ổn, tồi tệ hơn”.
“Chính vì vậy, Kim Jong-un đang tìm mọi cách để khẳng định tính nhất quán trong việc thực hiện đường lối mà ông Kim Nhật Thành đã vạch ra. Kim Jong-un muốn khẳng định với thế giới rằng: Hãy xem đi, khủng hoảng ở Triều Tiên đã kết thúc. Bắc Triều Tiên sẽ có tất cả như dưới thời Kim Nhật Thành, đất nước sẽ được điều hành bởi hệ thống đảng chứ không phải hệ thống quân sự như dưới thời ông Kim Jong-il (bố của Kim Jong-un)”- ông Lankov phân tích.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong -un |
Củng cố quyền lực
Về phần mình, ông Dmitri Streltsov, trưởng bộ môn Đông Á thuộc Học viện Ngoại giao Moscow, Nga nhận định rằng sẽ khó có thể nhận định chính xác mục đích và nhiệm vụ khi giới lãnh đạo Triều Tiên quyết định tổ chức đại hội của Đảng Lao động.
“Cái chính là tiếp tục củng cố quyền lực của Kim Jong-un và nâng cao vai trò của các cơ quan đảng trong hệ thống chính quyền. Khuynh hướng này đã được bắt đầu từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, nó sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của giới quân sự và củng cố ảnh hưởng của đảng”- Dmitri Streltsov nhận định.
Ngoài ra, ông Dmitri Streltsov cũng cho rằng đại hội đảng lần này của Triều Tiên sẽ thảo luận việc hợp pháp hóa đường lối cải cách kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp do giới lãnh đạo Triều Tiên đang tiến hành.
“Đó là vai trò của tập thể, các cải cách thị trường hạn chế và là sự tự chủ về tài chính. Có nghĩa là đường lối cải cách đang được tiến hành nhưng nó đòi hỏi phải có sự định hình bởi các quyết định của đại hội để phổ biến kinh nghiệm cải cách ra toàn bộ đất nước.
Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế đang siết chặt các lệnh cấm vận chống Triều Tiên, điều sống còn với giới lãnh đạo nước này là phải có được các quyết định từ đại hội để tiến hành các cuộc cải cách”- Dmitri Streltsov nhấn mạnh thêm.
Chuyên gia Dmitri Streltsov cũng không tin tưởng rằng đại hội lần này của Đảng Lao động Triều Tiên sẽ thông qua được quyết định nào đó về việc cải cách bộ máy và thành phần lãnh đạo của đất nước.
“Việc thay đổi thành phần giới lãnh đạo là vấn đề mang tính chất thường xuyên. Cho dù Đảng Lao động Triều Tiên 36 năm qua chưa tổ chức đại hội nhưng giới lãnh đạo nước này vẫn được thay đổi thường xuyên. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng chưa chắc các quyết định của đại hội lần này sẽ có ý nghĩa quan trọng nào đó.
Tất cả ở đất nước này đang được thực hiện bởi các biện pháp độc tài. Khó có thể bình luận về việc Kim Jong-un cần đến đại hội lần này ở mức nào nhưng tôi cho rằng Kim Jong-un đã thực sự củng cố được quyền lực của mình.
Tôi có cảm tưởng rằng các vấn đề liên quan đến nhân sự của đại hội lần này sẽ không có ý nghĩa bằng các vấn đề liên quan đến mảng cải cách kinh tế”- Dmitri Streltsov kết luận.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.