Giới chuyên gia: Cuộc chơi ở Trung Đông từ giờ sẽ do Nga ra luật
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Syria Assad |
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hürriyet Daily News, Giáo sư Bahçeşehir Nurshin Güney đến từ Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Síp nhận định: "Khi tận dụng được lợi thế bằng tiềm năng quân sự tương đối "hạn chế" của mình, Nga đã "trở lại" khu vực Trung Đông, và giờ đây họ là người đặt ra "luật chơi" trong khu vực chứ không phải Mỹ hay bất cứ nước nào".
Giáo sư Güney cho rằng, Nga sẽ không rời bỏ khu vực Trung Đông như trước nữa, và điều này có nghĩa là đối với Thổ Nhĩ Kỳ việc duy trì mối quan hệ đối tác với họ rất quan trọng, cũng như việc phải tùy cơ ứng biến giữa Moscow và các đối tác phương Tây.
Bình luận trên Hürriyet Daily News, Giáo sư Güney khẳng định: sự "trở lại" của Nga đã khiến năm 2015 trở thành một "bước ngoặt" đối với Trung Đông.
Ông Güney lưu ý, so với Mỹ, Moscow sử dụng "sức mạnh quân sự" hạn chế hơn, điều đó giúp họ không chỉ duy trì mà thậm chí còn tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, thêm vào đó họ còn đạt được vị thế của một người chơi chính "thiết lập các quy tắc của trò chơi".
Giáo sư giải thích: "Moscow đã lợi dụng được khoảng trống do Hoa Kỳ tạo ra dưới thời chính quyền của Cựu tổng thống B.Obama. Nga đã chớp lấy cơ hội này và thu được lợi ích tối đa từ sức mạnh quân sự hạn chế của mình.
Học thuyết hải quân Nga xuất bản năm 2010, đã nói về tầm quan trọng của việc đưa đất nước tiến đến biển Địa Trung Hải, và rồi hiện giờ điều này đã được thực hiện thông qua Syria. Nga hiện đang cố thủ tại Trung Đông và Địa Trung Hải. Và tôi cho rằng, họ sẽ không rời khỏi khu vực".
Theo chuyên gia, ở Trung Đông hiện giờ có một sự ganh đua giữa Nga và Hoa Kỳ, cũng tương tự như thời Chiến tranh Lạnh, và Moscow đang cố gắng đền bù cho "những tổn thất trong quá khứ của mình" trong cuộc đối đầu này.
Thêm vào đó, Giáo sư Güney cũng tin rằng, Hoa Kỳ sẽ không chịu để bị hất cẳng khỏi khu vực, bởi vì họ không muốn từ bỏ "sự thống trị đối với các nguồn năng lượng".
Như Giáo sư nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện của mình với nhà báo của tờ Hürriyet Daily News, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì các mối quan hệ với chính quyền phương Tây, bởi chúng đem lại cho Ankara "những con át chủ bài" cần thiết để xây dựng mối quan hệ với Nga.
Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải xây dựng một chính sách ngoại giao cân bằng, vì tình hình hiện nay ở Trung Đông bắt buộc họ phải tính đến mục đích và lợi ích của nhiều bên, bao gồm cả Iran và Ai Cập, Giáo sư Güney kết luận.