Giếng nước không bao giờ cạn trên đảo Lý Sơn
Giếng Vua (còn gọi là giếng Xó La), được xây bằng những viên đá cuội to xếp chồng lên nhau, đường kính miệng hơn 1m, sâu 6m. Sự ra đời và tên gọi của giếng nước này gắn với nhiều huyện thoại.
Nhiều người trên đảo kể, khi vua Gia Long bị quân Tây Sơn truy đuổi thì chạy ra đảo Lý Sơn. Khi đó, đảo đang bị hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt của quân sĩ mang theo cũng cạn kiệt, vua cho đào giếng khắp đảo nhưng không có nước. Trong lúc nguy kịch thì ông nằm mơ thấy có người mách nơi đào giếng. Quả nhiên, vừa đào xuống chừng vài mét thì mạch nước ngọt phun trào. Trước khi rời đảo, vua Gia Long ra lệnh cho người dân phải giữ lại giếng này.
Giếng Vua ở đảo Lý Sơn chưa bao giờ cạn nước hoặc nhiễm mặn dù cách biển khoảng 5m. |
Một truyền thuyết khác là sau khi lên ngôi, trong một chuyến đi thăm các hòn đảo dọc miền Trung và ghé vào đảo Lý Sơn đúng thời điểm hạn hán hoành hành, vua Gia Long đã lập đàn tế trời cầu mưa. Đêm đó, khi nằm ngủ được báo mộng địa điểm, nên sáng hôm sau vua cho người đến đào giếng, giúp dân vượt qua hoạn nạn. Nhớ ơn vua, người dân đặt tên là giếng Vua hay còn gọi giếng Gia Long.
Hàng trăm năm qua, giếng Vua chưa bao giờ bị nhiễm mặn (dù rất gần biển), hoặc cạn nước. Để thử xem mạch nước giếng Vua nhiều và mạnh như thế nào, một số người dân sử dụng 4 máy bơm đồng loạt hút nước ra. Dù máy chạy gần nửa ngày nhưng mực nước giếng vẫn không bị xê dịch bao nhiêu.
"Quanh năm suốt tháng, nước giếng ngọt và trong vắt. Ở Lý Sơn hiện có khá nhiều giếng nước, nhưng để pha được ấm trà ngon thì không đâu bằng nước giếng Vua", ông Phạm Thoại Tuyền, thôn An Vĩnh, khẳng định.
Khi vào mùa khô, người nghèo đổ xô về giếng Vua để chở nước đi bán. |
Không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt, mà giếng Vua còn là nguồn sống của nhiều người dân nghèo ở đảo Lý Sơn. Vào mùa nắng hạn, khi nước ngọt trên đảo bắt đầu khô cạn, xâm mặn là lúc người nghèo đổ về giếng Vua gánh nước đi bán.
Hơn 7 năm làm phu nước, anh Mai Thu (45 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh), cho biết: "Công việc này bắt đầu từ 5 - 7h sáng, buổi chiều từ 15 - 17h. Vào thời điểm nắng dữ dội, nhu cầu sử dụng nước tăng thì phải đi gánh từ lúc 1 - 2h sáng". Công việc tuy nặng nhọc nhưng không gò bó, lại có thu nhập khá nên lượng người gánh nước thuê ngày càng tăng.
Khi đứa con trai lớn là Dương Văn Hải mất sớm, để lại 2 con nhỏ, nhiều năm qua ông Dương Kiên (64 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh) gia nhập đội quân phu nước để kiếm tiền nuôi cháu. Ông Kiên dậy từ 2 - 3h sáng để gánh nước, trung bình mỗi ngày gánh 10 thùng, bán với giá 4.000 - 6.000 đồng/thùng.
Còn ông Lê Văn Triển (61 tuổi) cũng làm phu nước từ 2 năm nay. Trước đây ông làm nghề gò hàn, nhưng giờ bà con chủ yếu sử dụng các vật dụng bằng nhựa nên đành giải nghệ. Vì có xe máy nên ông Triển chở nước bán ở các nơi xa hơn với giá 6.000 đồng/20 lít. "Lúc đầu do chưa quen công việc nặng nhọc này nên tôi thường xuyên bị đau nhức, nhất là lưng và vai, tối về phải xoa bóp mới đỡ. Tuy nhiên nhờ cái nghề này mà cuộc sống của gia đình cũng tạm ổn", ông Triển tâm sự.
Bích Trâm