Giấy bản - vật phẩm cúng lễ không thể thiếu của người Mông
Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, người Mông ở Thanh Hóa lại vào sâu trong rừng chọn cho mình những thân cây giang, cây nứa dài nhất, đẹp nhất về để làm giấy.
Tại gia đình chị Thao Thị Dính (50 tuổi, ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát), vừa đập nguyên liệu làm giấy chị vừa nói về việc chọn nguyên liệu khác nhau để tạo nên những tấm giấy bản.
Nói về công đoạn để làm nên những tấm giấy bản, bà Thào Thị Dếnh (62 tuổi) cho hay, người Mông gọi cây để làm giấy là “Sống tuột chự” (cây giang) rồi về cạo hết lớp vỏ rồi mang đun 12-15 tiếng cùng với vỏ cây tạo nhựa cho mềm, tiếp đó ủ giang trong 2-3 ngày rồi đem ra giã nhuyễn.
Sau khi giã nhuyễn cây giang, người Mông cho nước vào khuấy lên rồi lấy vải màn lọc lấy bột mịn để làm giấy.
Sau khi lọc được chất bột mịn, công đoạn cuối cùng là cho chất hỗn hợp rải đều lên khung đã làm sẵn bằng vải màn để phơi.
Việc giấy có chất liệu đẹp hay không còn tùy thuộc vào thời tiết có được ánh nắng hay không. Thông thường, nếu như trời nắng thì chỉ cần phơi 5-6 tiếng thì giấy sẽ khô và cất giữ được vào nhà.
Tùy theo gia đình, thích kích thước của giấy bao nhiêu thì chọn khung giấy phù hợp với việc sử dụng của gia đình. Thường thì kích thước giấy của người Mông 1,2x1,5m.
Bà Trương Thị Huyên, Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Mường Lát cho biết: “Giấy bản là giấy truyền thống của người Mông, thay thế cho tiền vàng (vàng mã của người Kinh - PV) được dùng trong việc làm lễ, làm vía và thay Xử Ca (bàn thờ) vào ngày 30 Tết”.
Người Mông không phân biệt giàu có hay nghèo khó, mỗi gia đình dịp Tết đều làm 3-5 tấm giấy bản mới để thay thế Xử Ca. Giấy bản do chính tay người phụ nữ làm ra mới linh thiêng và với được dùng vào những việc quan trọng của gia đình.