Giáo sư Nguyễn Gia Bình: “Chúng tôi sẽ đi đến cùng vụ bác sĩ Hoàng Công Lương!"
Gs. Nguyễn Gia Bình |
Nước RO là trách nhiệm của phòng vật tư trang thiết bị y tế
Giáo sư Nguyễn Gia Bình là người đã theo sát vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án tai biến y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào tháng 5/2019.
Giáo sư Bình cho biết, khi nhận được giấy mời của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình ông không ngần ngại lên Hòa Bình để dự phiên tòa và trao đổi thẳng thắn với luật sư, viện kiểm sát cũng như tòa án với mong muốn góp tiếng nói để mọi người hiểu rõ công việc của từng bộ phận trong bệnh viện cũng như chức năng nhiệm vụ của từng vị trí trong khoa điều trị. Qua đó giúp hiểu rõ hơn tránh bị lợi dụng, bảo vệ công lý cũng như bảo vệ đồng nghiệp của mình.
Giáo sư Bình chia sẻ, trong việc cấp cứu 18 nạn nhân vụ tai biến ngày 29/ 5/2017 thì các nhân viên y tế tại khoa hồi sức cũng như đơn nguyên thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã làm đúng quy trình của Bộ Y tế. Theo GS Bình, khi sự việc xảy ra nếu xác định là sốc phản vệ thì phác đồ điều trị là giống nhau. Tiếp sau đó là vừa kết hợp cấp cứu duy trì các chức năng sống còn của người bệnh vừa tìm và loại bỏ nguyên nhân gây ra (nếu có thể được).
Việc sử dụng thuốc adrenaline trong cấp cứu sốc phản vệ hoàn toàn đúng nhưng hiện vẫn đang trở thành điều người ta mang ra để buộc tội bác sĩ. GS Nguyễn Gia Bình cho biết, ngay cả khoa Hồi sức tích cực hộp thuốc adrenaline vẫn luôn ở tủ thuốc di động chỉ cần bệnh nhân sốc thì những xe tiêm lưu động chỉ cần mất 2-3 giây có thể đến tận giường người bệnh và trong sốc phản vệ thì sẽ phải tiêm adrenaline là bắt buộc không có thuốc nào khác.
Chỉ vào vòi nước RO được trang bị cho bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận nhân tạo cho những bệnh nhân cấp cứu bắt buộc phải chạy thận nhân tạo GS Bình cho biết, việc điều trị bệnh là của bác sĩ. Trong trường hợp này bác sĩ chỉ có trách nhiệm đánh giá tình trạng bệnh nhân, lựa chọn phương thức lọc máu, thời gian lọc, thuốc chống đông ...vận hành máy và theo dõi tình trạng người bệnh trong suốt quá trình lọc để phát hiện và xử trí kịp thời các biến cố do tình trạng người bệnh cũng như trang thiết bị y tế.
Còn nguồn nước là do phòng Vật tư trang thiết bị y tế, thiết kế, lắp đặt, vận hành sửa chữa, bảo dưỡng để đảm bảo luôn có nguồn nước đảm bảo chất lượng. Bác sĩ làm sao có thể mở vòi nước ra mà biết được chất lượng nước? Không lẽ bằng cách nếm thử nước, hay ngửi thử nước chăng? Một số trường hợp cấp cứu là không thể làm được như thế.
Hay như việc vận hành máy móc, bác sĩ hay điều dưỡng cắm phích điện vào ổ điện để chạy máy thì mặc định nguồn điện ở bệnh viện là 220 vol, còn có đúng 220 vol hay không là do bộ phận kỹ thuật khác chứ bác sĩ không có nhiệm vụ phải làm việc đó? nếu chẳng may nguồn điện không đảm bảo dẫn đến hỏng máy, thiết bị thì lỗi là do bên cung cấp điện chứ không phải do nhân viên y tế.
Sẽ đi đến cùng
Giáo sư Bình cho biết, theo dõi thông tin từ các phiên tòa trong thời gian gần đây, ông thấy rõ người ta đang cố tình buộc tội bác sĩ Lương. Theo ông, bác sĩ đã cấp cứu bệnh nhân đúng, trong tình huống ấy từng giây, từng phút đều là vàng nên dành thời gian cấp cứu là tốt nhất. Nếu bác sĩ không cấp cứu kịp thời thì có thể số lượng bệnh nhân tử vong còn tăng hơn.
Trong trường hợp bác sĩ Lương sẽ bị y án theo đề nghị của Viện kiểm sát là 36 – 42 tháng tù, GS Bình cho rằng “chúng tôi sẽ đi đến cùng và sẽ bảo vệ đồng nghiệp của mình”.
Bởi không chỉ là câu chuyện bảo vệ bác sĩ Lương, GS Bình cho biết đó chính là bảo vệ giới y khoa trong cả nước để họ an tâm làm việc. Hiện nay ngay cả vụ việc bác sĩ Lương chưa kết thúc thì đã gây tâm lý hoang mang và sợ trách nhiệm. Tuyến dưới dồn lên tuyến trên và lại quá tải. Trong trường hợp này người bệnh là người lãnh đủ.
Chia sẻ về việc ý kiến của mình tại phiên tòa được đông đảo y bác sĩ cả nước ủng hộ và thầm cảm ơn vì Giáo sư Bình đã lên tiếng, GS Bình cho rằng ông chỉ đang nói lên sự thật mà thôi.