Giáo sư Mỹ nói về sự khác biệt trong đối phó dịch Covid-19 giữa Moscow và Washington
Tình hình diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Ảnh: RIA. |
Nhận định trên do giáo sư lịch sử danh dự của đại học New York và đại học Princeton, ông Stephen Cohen nói trong chương trình phát thanh của cây viết kiêm người dẫn chương trình John Bachelor của tạp chí The Nation.
“Nhiều vấn đề của Nga tương tự những gì chúng ta đang đối mặt. Hầu hết người ở Moscow không ra khỏi nhà, những người Mỹ ở New York và Los Angeles cũng ở nhà theo cách tương tự. Có nhiều mối quan tâm và lo lắng, trong đó có lạm phát, điều này chúng ta cũng biết tới, đây là vấn đề của toàn thế giới”, người dẫn chương trình Bachelor nói.
Nhà sử học Cohen đồng ý với quan điểm này và nói thêm rằng phản ứng của người dân ở Mỹ và Nga đối với tình hình hiện tại là rất giống nhau. Tuy nhiên, ông Cohen cũng đề cập đến một số sự khác biệt.
Ông Cohen cho hay: “Người Nga, đặc biệt là người Moscow đã phải trải qua rất nhiều những tình huống khẩn cấp trong thế kỷ XX, đến nỗi ở cấp độ di truyền dường như họ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa. Đây là điều khác biệt của họ với chúng ta”.
Ngoài ra, ông Cohen cũng chỉ ra sự khác biệt trong chính quyền khu vực ở Nga và Mỹ. “Mặc dù các phản ứng đối với cuộc khủng hoảng ở các khu vực của Nga là khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả các chính trị gia ở đó không giống như chúng ta, họ phải tính đến ý kiến của các chuyên gia. Trong trường hợp này các chuyên gia y tế học sẽ thể hiện được sức mạnh của mình”, ông Cohen nói.
Đồng thời, ông Cohen bày tỏ hy vọng tình hình hiện tại có thể góp phần vào sự ấm lên trong quan hệ giữa Moscow và Washington.
“Đặc biệt vào thời điểm này, khi chúng ta cần phải giải tỏa căng thẳng giữa Mỹ và Nga, hoặc thậm chí là lập ra liên minh để đối phó với tình hình dịch bệnh”, ông Cohen nhấn mạnh.
Người dẫn chương trình Bachelor bày tỏ ủng hộ quan điểm với ông Cohen, đồng thời nhắc lại trước đây Liên Xô đã hỗ trợ Hoa Kỳ trong Thế chiến II.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ động đề xuất sự giúp đỡ từ phía Nga trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi 2 nhà lãnh đạo thảo luận cách đối phó tốt nhất với Covid-19.
Theo đó, chiếc máy bay vận tải quân sự An-124 đã rời trường bay Chkalovsky (Moscow) vào tối 31/3, và tới Mỹ trong ngày 1/4 sau khi tiếp nhiên liệu tại sân bay Shannon ở Ireland.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay quân sự của Nga vượt quãng đường 8.000 km đã hạ cánh xuống thành phố New York. Số hàng hóa mà máy bay Nga mang theo gồm có khẩu trang và các thiết bị y tế cần thiết.
Chuyến hàng hỗ trợ của Nga tới Mỹ diễn ra trong bối cảnh, kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ gần cạn kiệt và trang thiết bị bảo hộ cho các bác sĩ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 bị thiếu trầm trọng.
Số liệu thống kê trên trang Worldometers cho thấy, tính đến ngày 14/4, trên thế giới đã có 1.923.858 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), bao gồm hơn 119.599 ca tử vong.
Mỹ đã vượt Italy trở thành quốc gia có số người chết và nhiễm virus corona chủng mới cao nhất thế giới với 586.866 người mắc; 23.621 người tử vong. Theo Ban điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga, ghi nhận tổng số ca mắc lên 18.238 trường hợp và 148 người tử vong.