Giáo sư Mỹ: Nỗ lực cô lập Nga của Hoa Kỳ có thể “gậy ông đập lưng ông”
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Trump |
Trong bài viết mới được đăng tải trên tạp chí The Nation của Mỹ, giáo sư lịch sử danh dự của Đại học New York và đại học Princeton, ông Stephen Cohen bày tỏ quan điểm cho rằng, nỗ lực để cô lập một quốc gia lớn như Nga là "vô ích" và là biểu hiện của sự "ngốc nghếch", và chỉ dẫn đến hiệu ứng ngược lại.
Ông Cohen cho rằng, không thể có việc cô lập được nước Nga – bởi vì từ sau năm 2014, Moscow đã trở thành một thủ đô ngoại giao năng động nhất thế giới.
Nga đang mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, bao gồm cả các thành viên của Liên minh châu Âu, vốn đang áp đặt biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, nhà sử học nhắc lại.
Ngoài ra, Moscow đang điều phối ba quy trình đàm phán lớn: đó là đàm phán về Syria, Serbia và Kosovo, và thậm chí cả ở Afghanistan, giáo sư người Mỹ lưu ý.
Ông Cohen đi đến kết luận, Hoa Kỳ nên học hỏi Nga, nếu không họ sẽ rơi vào tình trạng tự cô lập lớn hơn.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xấu đi do tình hình liên quan đến Ukraine và bán đảo Crimea. Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, và để đáp trả Moscow thực hiện lệnh cấm vận thực phẩm. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không phải là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine và không phải là chủ thể của thỏa thuận hòa bình Minsk.
Nga là nhà xuất khẩu khí đốt và lúa mì lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 và xuất khẩu than đá lớn thứ 3 thế giới, và đặc biệt đây còn là một cường quốc hạt nhân. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng dù muốn hay không, Mỹ và phương Tây nên hiểu rằng Nga quá quan trọng nên không thể cô lập.
Một thực tế rõ ràng là, đứng trước các lệnh trừng phạt liên tiếp từ Hoa Kỳ và phương Tây, Nga không dễ dàng gục ngã, thậm chí đang ngày càng thể hiện vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.