"Giao khoán" đền chùa cho cá nhân là không được!
Liên quan đến vụ ban quản lý đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An thuê công ty tư nhân đếm tiền công đức gây xôn xao dư luận, trao đổi với Infonet bên lề Quốc hội sáng 20/6, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho biết: Trong thời gian qua, báo chí đã phản ánh về tình trạng tiền công đức "đi đâu". Điều đó thể hiện rằng việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này rất yếu kém, làm phát sinh chuyện mỗi nơi quản lý mỗi khác.
Đều có những biển cấm không được đặt tiền và thắp hương nhưng nhiều người dường như không để ý - Ảnh Tin Nhanh Việt Nam |
Thưa bà, gần đây dư luận xôn xao về việc ban quản lý đền ông Hoàng Mười (Nghệ An) thuê công ty tư nhân đếm tiền công đức không có người giám sát và chùa Hương (Hà Nội) thuê 1 ngân hàng trên địa bàn đếm tiền công đức liên tục trong 1 – 2 ngày mới xong, ý kiến của bà như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải chỉ đạo một cách thống nhất, hướng dẫn các chức sắc tôn giáo và phải có quy định rõ ràng, chứ không thể để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tùy tiện mỗi nơi một cách như thế này được.
Chính sự buông lỏng quản lý đã làm cho “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi quản lý một kiểu khiến cho việc này rất phản cảm. Từ chuyện thuê, khoán quản lý đền rồi thuê doanh nghiệp, ngân hàng đếm tiền công đức là những chuyện không thể chấp nhận được.
Tôi nghĩ không nên để xảy ra tình trạng như vậy, ngành văn hóa phải chỉ đạo và cùng với chức sắc tôn giáo thống nhất. Chuyện này mọi người phải bắt tay làm để không còn tình trạng nhan nhản những hòm công đức được đặt ở khắp nơi trong đền, đình, chùa.
Bên cạnh đó, ở những đền, chùa, các chức sắc tôn giáo cũng cần có những hướng dẫn phật tử, du khách thập phương đến muốn làm công đức thì tùy tâm, phát tâm chứ không thể để chuyện rải tiền công đức lên trên bệ, lên tay tượng, hay thả xuống giếng. Cái đó rất phản cảm.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trao đổi với PV báo điện tử Infonet. (Ảnh: Xuân Hải) |
Vấn đề đặt ra là quản lý tiền công đức đó như thế nào và ai sẽ là người giám sát số tiền đó thưa bà?
Ở các đền có cách quản lý khác so với chùa thì ngành văn hóa, chính quyền địa phương cũng phải thống nhất. Nhưng cũng có một thực trạng là do sự mê tín, người ta nghĩ rằng để một, hai trăm đồng tiền lẻ để sau này được lộc. Nếu người nào phát tâm công đức, khi đến chùa, đền với phát tâm lòng thành thì họ có thể để vào hòm công đức để thể hiện sự tôn nghiêm.
Tuy nhiên, tiền công đức được ban quản lý đền nộp cho chính quyền địa phương, chúng ta không biết số tiền đó được chính quyền địa phương sử dụng như thế nào, thưa bà?
Chúng ta phải phân biệt tiền công đức ở chùa với tiền người dân đóng góp để tôn tạo đình, đền là khác nhau. Riêng tiền công đức ở chùa thì các chức sắc tôn giáo sẽ biết để làm gì. Tôi tin rằng những người xuất gia họ không dùng cái đó riêng mà phục vụ cho tôn tạo chùa chiền để làm những việc cầu thiện, giúp đỡ những người khổ. Nhiều nơi người dân vẫn phải nương nhờ cửa Phật cơ mà. Do vậy, phải tin tưởng.
Các đình, đền thì lại thuộc hệ thống quản lý của Nhà nước nên chúng ta phải có sự quản lý, kiểm soát cùng với chính quyền địa phương. Ban quản lý phải công khai những hoạt động tập thể, quản lý tiền cho tất cả các thành viên và có sự giám sát của đại diện chính quyền địa phương. Thế thì tất cả sẽ rất rõ ràng, minh bạch.
Nếu chính quyền địa phương sử dụng tiền đó mà không có trong sổ sách thì phải chấn chỉnh lại và ngành văn hóa phải đi làm những việc này. Phải đi khảo sát, kiểm tra, lắng nghe ý kiến rồi mới đưa ra các quy định cần chấn chỉnh. Ngành văn hóa bây giờ thấy dân kêu nhưng không biết phải làm gì thì tôi cho rằng quản lý như vậy là chưa được.
Trước kia đền Sòng ở Thanh Hóa cũng được chính quyền địa phương khoán cho tư nhân để tự khai thác, bà nhận định như thế nào về việc làm đó?
Theo tôi chuyện giao khoán cho một cá nhân để tự khai thác quản lý sẽ dẫn đến chuyện mua thần, bán thánh, thương mại hóa tâm linh. Chuyện đấy là không được.
Tôi cho là không nên như thế mà phải để cho nó đúng với sự phát tâm của khách thập phương, đồng thời chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống là chính, còn chuyện tiền nong thì phải do các cơ quan Nhà nước xem xét. Đặc biệt về cách quản lý, chúng ta phải có sự phân biệt giữa đình, chùa, đền thì mới giải quyết được. Chúng ta phải hiểu về pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo thì chúng ta mới làm được.
Vậy để khắc phục tình trạng sử dụng tiền công đức không rõ ràng thì ngành văn hóa phải có quy định riêng trong từng danh mục chùa sử dụng thế nào, đền sử dụng thế nào,... thưa bà?
Tôi cho rằng, ngành văn hóa cần phải đi kiểm tra, khảo sát và lắng nghe ý kiến của những người sẽ chịu tác động của văn bản. Sau đó chúng ta về xây dựng các văn bản. Việc này cần phải khẩn trương bởi việc này tồn tại quá lâu rồi. Đối với chùa phải thống nhất với giáo hội, còn đình và đền thì phải có gắn với quản lý của Nhà nước ở địa phương.
Vừa qua, bà có chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề này. Vậy bà thấy trả lời của Bộ trưởng như thế nào?
Tôi thấy trả lời của Bộ trưởng cũng chưa rõ lắm. Tôi chỉ thấy có mỗi ý cuối cùng là Bộ trưởng nói là làm sao để cho tất cả tiền công đức của dân phải được phục vụ, tôn tạo và sử dụng đúng mục đích. Câu nói đó làm tôi phấn khởi. Nhưng trước đó cần phải làm cái gì thì cũng mong Bộ trưởng sẽ chỉ đạo trong ngành phải làm tốt.
Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này bởi đây là vấn đề nhạy cảm của xã hội. Vấn đề tôn giáo nếu chúng ta không quan tâm thì sẽ gây những bức xúc không cần thiết. Tôi cũng mong ngành văn hóa làm tốt để kỳ họp Quốc hội sau các ĐBQH sẽ không cần chất vấn nữa.
Xin cảm ơn bà!