Giám đốc tài chính Huawei có thể đối mặt với 30 năm tù giam?
Bà Mạnh Văn Chu, giám đốc tài chính và cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei, đã bị nghi ngờ sau khi hãng tin Reuters đưa tin rằng tập đoàn này có mối liên hệ chặt chẽ với hãng Skycom vào năm 2013, một hãng đã có ý định bán các thiết bị của Mỹ cho Iran mặc cho lệnh cấm vận của Mỹ và EU.
Bà Mạnh Văn Chu đã bị bắt tại Canada vào ngày 1/12. |
Các công tố viên Mỹ khẳng định bà Mạnh đã không thành thật với các ngân hàng đã thăm dò về mối quan hệ giữa hai công ty. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với những tội danh lừa đảo nhiều tổ chức tài chính khác nhau và có thể khiến bà phải ngồi tù tối đa 30 năm.
Bà Mạnh, 46 tuổi, đã bị bắt giữ ở Canada vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ. Động thái này diễn ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tìm cách giải quyết chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.
Tin bà Mạnh bị bắt đã khiến thị trường chứng khoán nhiều nơi chao đảo. Chính phủ Trung Quốc lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thống Trump và các cố vấn kinh tế lúc này khẳng định rằng vụ việc không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi hai nguyên thủ đã nhất trí “đình chiến”.
Một phiên điều trần đã diễn ra ở Canada để xác định liệu bà Mạnh có được quyền bảo lãnh hay bà vẫn tiếp tục phải bị tạm giam. Các công tố viên Mỹ phản đối việc bà được bảo lãnh với lý do rằng bà Mạnh là người có nhiều quan hệ ở Canada và rằng gia thế của bà sẽ mang lại rất nhiều lợi thế pháp lý cho bà.
Dù vậy, luật sư riêng của bà Mạnh là ông David Martin khẳng định rằng uy tín của bà sẽ buộc thân chủ của mình phải tuân theo mệnh lệnh của tòa án. “Các anh có thể tin bà ấy”, ông nói. “Trốn chạy sẽ chỉ làm xấu mặt cha của bà ấy, người mà bà rất yêu quý”.
Mỹ có 60 ngày để đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh. Sau khi nhận được yêu cầu, một thẩm phán Canada sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada sẽ quyết định có giao bà cho phía Mỹ hay không.
Một phát ngôn viên của Huawei cho biết tập đoàn này “tin tưởng tuyệt đối rằng cơ quan tư pháp Canada và Mỹ sẽ có kết luận đúng đắn”. Trước đó Huawei khẳng định rằng họ tuân thủ mọi ràng buộc về xuất khẩu, các nghị quyết cấm vận và các thủ tục hiện có trên thế giới.
Việc bà Mạnh bị bắt giữ có liên quan đến Skycom Tech, một công ty của Hồng Kông có trụ sở ở thủ đô Tehran của Iran và là một công ty mà Huawei gọi là một trong những “đối tác chính” ở Iran.
Vào tháng 1/2013, hãng tin Reuters từng đưa tin rằng Skycom, một công ty đã có ý định bán các thiết bị máy tính của hãng Hewlett-Packard cho công ty viễn thông lớn nhất của Iran, có mối quan hệ mật thiết với Huawei và bà Mạnh hơn những gì được biết trước đó.
Vào năm 2007, một công ty con của Huawei đã mua lại toàn bộ cổ phiếu của Skycom. Khi đó bà Mạnh là thư ký của công ty con này. Sau đó bà cũng trở thành thành viên hội đồng quản trị của Skycom từ tháng 2/2008 đến tháng 4/2009.
Một số nguồn tin trong nội bộ công ty cho biết, Huawei đã dùng trụ sở của Skycom tại Tehran để cung cấp các thiết bị mạng di động cho nhiều công ty viễn thông lớn ở Iran. Có hai người giấu tên tiết lộ rằng về lý thuyết Skycom do người Iran kiểm soát để đúng với luật pháp địa phương, song trên thực tế công ty này được vận hành bởi Huawei.
Năm 2013, một phát ngôn viên của Huawei nói rằng: “Huawei đã thiết lập một cơ chế thương mại nhằm tuân thủ với các thủ tục pháp lý hiện hành và hoạt động của chúng tôi tại Iran hoàn toàn đúng với tất cả những điều luật hiện có, trong đó có các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp đối tác như Skycom làm điều tương tự”.