Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói gì về việc bệnh nhân mổ chân gãy nhưng bị tử vong?
Sáng 18/3, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã trực tiếp đến Bệnh viện (BV) Đà Nẵng để kiểm tra và nghe Hội đồng khoa học của BV báo cáo về trường hợp nữ bệnh nhân Trần Thị Là (không phải Nguyễn Thị Là như tin đã đưa, sinh năm 1969, trú thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bị tử vong sau hơn 10 ngày nhập viện điều trị và mổ gãy chân, gây bức xúc cho gia đình và nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng trao đổi với báo giới sáng 18/3 về trường hợp bệnh nhân Trần Thị Là (Ảnh: HC) |
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho hay, sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu BV Đà Nẵng ngay trong sáng 18/3 tiến hành họp Hội đồng khoa học của BV, có sự tham gia của lãnh đạo Sở, Phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế để nắm cụ thể về trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Là từ quá trình tiếp nhận, điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như diễn biến của bệnh.
“Qua khai thác về tình hình bệnh cũng như các yếu tố về cận lâm sàng, chúng tôi thống nhất với chẩn đoán cuối cùng của Hội đồng khoa học BV Đà Nẵng là bệnh nhân Trần Thị Là bị thuyên tắc mạch phổi và chẩn đoán gián biệt với trường hợp có thể sốc phản vệ do truyền máu trên nền bệnh nhân bị gãy liên lồi cầu xương đùi bên phải rất phức tạp!” – bác sĩ Ngô Thị Kim Yến nói.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đà Nẵng, biến chứng thuyên tắc phổi gây tử vong thì không chỉ trong gãy xương mà trong sản khoa cũng có. Đó là tắc nước ối. Theo y văn thì lâu nay các trường hợp gãy xương dài có tỉ lệ thuyên tắc phổi từ 1 – 3%. Và khi đã bị thuyên tắc phổi thì tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Bổ sung thêm, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, thuyên tắc phổi là do những mạch máu cung cấp máu cho phổi bị tắc nghẽn bởi một lý do nào đó. Đó có thể là một mảng xơ vữa, khối máu đông, khối mỡ hay bọt khí... gây tắc mạch máu dẫn lên phổi. Đối với bệnh nhân bị gãy xương dài, đặc biệt là ở vùng đầu xương như vùng cổ xương đùi, vùng lồi cầu... thì nguy cơ thuyên tắc phổi do mỡ là 1 – 3%. Và trong y khoa thì khi bị thuyên tắc phổi như thế này, tỉ lệ tử vong lên đến 30%.
Ban Giám đốc BV Đà Nẵng báo cáo với lãnh đạo Sở Y tế về trường hợp bệnh nhân Trần Thị Là (Ảnh: HC) |
“Đối với y khoa thì đây là một tỉ lệ vô cùng lớn. Chưa kể, bệnh nhân Trần Thị Là bị thuyên tắc phổi rơi vào thể tối cấp, rất nặng. Chụp phim thì phổi trắng tất cả, làm thêm một số xét nghiệm sinh hóa cho thấy bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi với chỉ số lên tới 2000 (so với bình thường là 200). Đây là một chỉ số rất khách quan và đối với các trường hợp này thì tử vong gần hết!” – Bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh nói.
Theo một Phó Giám đốc khác của BV Đà Nẵng, bác sĩ Lê Đức Nhân, y văn cũng đã nhấn mạnh, đối với các trường hợp gãy xương xốp, xương dài và vùng gãy phức tạp thì có thể có biến chứng thuyên tắc phổi. Biến chứng này mà xảy ra thì thể càng cấp, tử vong càng nhanh. Các trung tâm chấn thương chỉnh hình lớn trong cả nước, BV Việt - Đức và nhiều BV khác trong các hội nghị đều cảnh báo vấn đề thuyên tắc mạch phổi ở những bệnh nhân có chấn thương phức tạp, đặc biệt là gãy xương dài. Nên đây không phải là trường hợp ngoại lệ.
Khi vấn đề tầm soát ngày càng nhiều thì vấn đề thuyên tắc tĩnh mạch không chỉ ở Đà Nẵng mà tất cả các nơi khác đều được chú ý rất nhiều. Mới đây, tại TP.HCM đã có hội nghị chuyên về vấn đề thuyên tắc tĩnh mạch ở các bệnh nhân chấn thương, chứng tỏ vấn đề này đang rất được quan tâm. Ngay tại BV Đà Nẵng trước đây cũng từng xảy thuyên tắc tĩnh mạch gây tử vong. Và trong y văn ghi nhận đây là biến chứng y khoa!
“Gặp trường hợp bệnh nhân vỡ xương chậu, xương dài, xương xốp hay vỡ xương phức tạp... khi mổ nhiều khi không có vấn đề gì đâu, nhưng tủy xương vỡ thì một tổ chức mỡ trong tủy ra đụng với hồng cầu tạo thành các tiểu cầu bám vào thành cục mỡ, đi theo hệ thống tĩnh mạch lên tim, rồi từ tim bắn lên phổi, bít luôn động mạch nuôi dưỡng phổi. Khi đó máu đưa lên phổi không được. Phổi không thể trao đổi oxy nên lập tức bệnh nhân ngừng tuần hoàn.
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng: "Trường hợp của bệnh nhân Trần Thị Là là một biến chứng y khoa!" (Ảnh: HC) |
Cái này người ta đã đưa ra cơ chế rồi, đã có bằng chứng rồi, y văn đã viết rồi và lâm sàng cũng phù hợp, các chẩn đoán cận lâm sàng cũng cho thấy bệnh nhân tử vong là do biến chứng thuyên tắc mạch phổi. Đây là một kết luận khách quan và được sự thống nhất của lãnh đạo Sở Y tế!” – bác sĩ Lê Đức Nhân cho hay.
Đối với câu hỏi có hay không việc truyền nhầm máu khiến bệnh nhân xốc phản vệ, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh khẳng định, từ đầu năm 2016, BV Đà Nẵng đã thực hiện theo Thông tư 26 của Bộ Y tế về an toàn truyền máu. Theo đó, để truyền một bịch máu vào người bệnh nhân phải qua 7 công đoạn.
Lúc đầu bác sĩ cho chỉ định nhóm máu gì, tiếp đó lên bộ phận thử máu phải tiến hành 4 lần thử giữa máu của bệnh nhân và máu sẽ truyền (2 lần trên bịch máu, 2 lần trên người bệnh).
Sau đó phải thử phản ứng miễn dịch trên hai môi trường khác nhau (37 độ C và 22 độ C) để loại trừ các yếu tố miễn dịch. Cuối cùng, trước khi truyền máu vào người bệnh nhân, có thêm một lần thử nữa. “Vì vậy, không thể có chuyện truyền nhầm máu được!” – bác sĩ Trần Ngọc Thạnh nói.
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, khi lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng và BV Đà Nẵng đến tiếp xúc, hỏi thăm thì gia đình bệnh nhân rất bức xúc và do chưa thật sự hiểu biết đối với công tác chuyện môn của BV nên có những ý kiến nhìn nhận đội ngũ cán bộ ngành y tế chưa thật sự khách quan.
Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đà Nẵng: "Không có chuyện truyền nhầm máu cho bệnh nhân Trần Thị Là!" (Ảnh: HC) |
“Ngành y tế có những chuyên môn rất sâu. Chỉ cần có ý kiến nói rằng tại sao để bệnh nhân nằm tới 9 ngày mới mổ thì sẽ gây nên nhiều dư luận, đồn đoán. Nhưng qua phân tích của các bác sĩ ở BV thì có thể thấy đó là một quy trình rất đúng. Chúng tôi khẳng định BV Đà Nẵng đã tiến hành ca này đúng và đảm bảo theo các quy trình chuyên môn!” – bác sĩ Ngô Thị Kim Yến nêu rõ.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ người nhà bệnh nhân, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến nhìn nhận: “Nếu người nhà chúng ta bị sự cố như vậy thì chúng ta cũng có những bức xúc tương tự. Vì vậy chúng tôi mong báo chí có thái độ khách quan, trung thực để giải thích rõ sự việc với công luận. Về phía Sở Y tế, chúng tôi xin hứa kiểm tra kỹ các quy trình. Nếu có vấn đề gì chưa đúng thì Sở cũng phải có trách nhiệm. Nhưng đến giờ phút này, qua đánh giá của Hội đồng khoa học của BV có sự chứng kiến của Sở Y tế về mặt chuyên môn thì tất cả các nhận định của BV là chính xác và Sở Y tế thống nhất với kết luận của Hội đồng khoa học của BV!”.
Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc BV Đà Nẵng nói thêm, việc gia đình bà Trần Thị Là bức xúc là điều dễ hiểu, vì bệnh nhân mới 47 – 48 tuổi, chỉ bị gãy xương, những ngày trước mổ thì an toàn, khi mổ cũng bình thường, sau khi mổ hoàn toàn tỉnh táo, nằm ở khu chăm sóc đặc biệt, được theo dõi cẩn trọng nhưng bệnh lại trở đột ngột. “Đây là sự cố y khoa ngoài ý muốn. BV Đà Nẵng đã cố gắng tập trung hết sức nhưng vẫn không cứu được bệnh nhân. Chúng tôi cũng rất là tiếc về trường hợp này!” – bác sĩ Trần Ngọc Thạnh nói.